Nhiều mặt hàng đội giá
Trong những ngày qua, giá xăng dầu tăng liên tục đạt kỷ lục trong 8 năm trở lại đây (kể từ năm 2014), điều này khiến giá cả các mặt hàng thực phẩm trên thị trường tại Hà Nội cũng tăng lên.
Tại các chợ truyền thống như Chợ Hôm Đức Viên, Nguyễn Công Trứ, Mùng 8/3, Hoàng Mai, Kim Liên, Dốc Đề, Thành Công, Cống Vị…. cho thấy nguồn cung các mặt hàng rau củ quả tươi, thủy hải sản, thịt bò, thịt lợn, gà, hoa tươi… hàng hóa vẫn rất dồi dào, nhưng giá cả các mặt hàng đều tăng mạnh so với dịp Tết.
Cụ thể giá rau xanh đều tăng mạnh, thậm chí lên gấp 2-3 lần so với hôm Tết, như cải thảo từ 8.000 đồng/kg lên 14.000 đồng, cải canh từ 5.000 đồng/mớ lên 8.000 đồng/mớ, xà lách 12.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, rau ngót 6.000 đồng/mớ lên 15.000 đồng, thậm chí có chợ như chợ còn bán 20.000 đồng/mớ, rau cần 6.000 đồng/mớ lên 12, 14.000 đồng/mớ, bí xanh 12.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, su hào từ 5.000 đồng/củ lên 9.000 đồng/củ, súp lơ từ 10.000 đồng/cây lên 18.000 đồng/cây, cà rốt từ 2.000 đồng/củ lên 5.000 đồng/củ, rau muống từ 10.000 đồng/mớ lên 25.000 đồng/mớ, dưa chuột từ 13.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, rau cải cúc từ 4.000 đồng/mớ lên 8.000 đồng/mớ, cà chua có giá từ 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg…
Các mặt hàng thịt gia súc gia cầm, thủy hải sản cũng đều tăng lên như cá chép giòn từ 200.000-220.000 đồng/kg, cá lăng 130.000-150.000 đồng/kg, cá song 280.000-300.000 đồng/kg, thịt lợn 150.000-170.000 đồng/kg, thịt bò 250.000-370.000 đồng/kg, thịt gà 130.000 đồng-150.000 đồng/kg…..
Giá rau xanh tăng mạnh cũng khiến các bà nội trợ phàn nàn, thực phẩm những ngày này tăng phi mã theo giá xăng dầu. Thời điểm Tết giá cả thực phẩm cũng không đắt như thế này. Hơn 1 tuần này giá các mặt hàng thực phẩm tăng mạnh, nhất là rau xanh tăng lên gấp hai gấp ba lần.
Đáng chú ý, các loại rau gia vị như rau mùi, rau húng, rau tía tô, rau ngổ, hành, răm... đã tăng giá gấp 3 lần so với cách đây vài hôm, nhất là rau tía tô, sả, gừng còn không có vì nhiều người mua dùng để xông, đun uống nên "cháy hàng."
Không chỉ người tiêu dùng mà các chủ cửa hàng bán đồ ăn cũng phải chật vật trong việc vừa giữ khách, vừa không để bị lỗ.
Trao đổi với báo Lao Động, anh Hoàn, chủ quán bún riêu cua ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, từ khi ra Tết, cửa hàng anh được mở cửa bán tại chỗ trở lại, nhưng lại gặp khó vì giá nguyên liệu liên tục "phi mã".
"Trong thời điểm dịch, giá rau củ, nguyên liệu chế biến đã tăng nhưng đến thời gian gần đây giá đã tăng mạnh hơn khiến nhà hàng gặp khó khăn", anh nói và cho biết, các chi phí gas, giá xăng, vận chuyển, nguyên vật liệu như rau củ, thiết bị đều đồng loạt tăng từ 10-15%. Việc giá xăng tăng chóng mặt, các chi phí khác cũng "đội" theo, nên buộc tôi phải nâng giá bát bún riêu từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng để tránh lỗ vốn. Để khách hàng biết việc tăng giá, tránh ngỡ ngàng, chúng tôi đã dán thông báo trước cửa quán", anh Hoàn nói.
Song song với đà tăng của xăng dầu, gas, giá nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến cước vận tải… đều tăng mạnh khiến giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đồng loạt tăng. Nhiều cửa hàng kinh doanh các thực phẩm chế biến sẵn cũng phải tăng giá hoặc giảm phần ăn.
Doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giá vé xe
Xăng tăng cũng trở thành nỗi e ngại của các chủ doanh nghiệp vận tải. Theo thông tin từ báo VOV, hiện nay tại Bến xe Miền Đông, Tp.HCM, hiện đã có 11 doanh nghiệp tăng 20% giá vé.
Ông Đỗ Phú Đạt, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, tính đến hôm 3/3, có 11 doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến xe này kê khai điều chỉnh tăng giá vé lên 20%. Các doanh nghiệp còn lại cũng đang làm thủ tục tăng giá.
Theo các doanh nghiệp vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm từ 25 – 30% tổng cơ cấu giá thành. Chỉ tính từ đầu năm 2022 cho tới kỳ điều chỉnh ngày 1/3, giá xăng dầu tăng khoảng 6%.
Trong khi đó, do tác động của dịch Covid-19 nên nhu cầu đi lại của người dân chưa thể phục hồi như trước, lượng khách chỉ còn 40% – 50% so với thời điểm này các năm trước. Khó khăn chồng khó khăn buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá vé.
Tương tự như vậy, một số doanh nghiệp vận tải hành khách ở bến xe Miền Tây của Tp.HCM cũng đang đề xuất tăng giá vé nhưng chưa được đồng ý nên chưa niêm yết giá mới.
Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây cho biết, doanh nghiệp muốn tăng giá vé thì phải làm đúng các thủ tục chứ không thể tự quyết.
“Tôi nghĩ giá vé không giữ nguyên nhưng các doanh nghiệp vận tải muốn tăng giá là phải làm bộ hồ sơ gửi về Sở Giao thông – Vận tải cùng Bộ Tài chính. Sau khi được duyệt xong mới thông báo về bến xe để niêm yết. Cũng phải có độ trễ chứ không phải được liền. Không phải xăng dầu tăng mà muốn tăng là được”, ông Phương chỉ rõ.
Siêu thị bật chế độ “kìm giá”
Nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng trong thời kì xăng gas đều tăng cao, nhiều nhà bán lẻ đã trì hoãn việc tăng giá, thậm chí hệ thống Saigon Co.op đã bật chế độ "kìm" giá bình ổn để giữ chân khách hàng.
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) khẳng định đến thời điểm này các hệ thống bán lẻ trực thuộc đơn vị vẫn thực hiện tốt sứ mệnh bình ổn giá để đem đến bữa ăn đầy đủ, chất lượng, tiết kiệm cho người tiêu dùng do đã có kế hoạch dự trữ từ sớm.
Cũng theo đại diện Saigon Co.op, với ngành hàng hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, thông thường các đơn hàng chốt ổn định giá từ 2-3 tháng. Nhiều nhóm hàng nhà cung cấp muốn tăng thì phải thông báo trước ít nhất một tháng nên biến động giá cả trước mắt là chưa lớn.
Riêng với nhóm hàng tươi sống, hệ thống Co.opmart và Co.opXtra hiện đang thực hiện các chương trình khuyến mãi, trong đó phần lớn là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người tiêu dùng.
Cụ thể, từ nay đến hết ngày 16/3, Co.opmart/Co.opXtra sẽ thực hiện giảm giá từ 10% đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm nhu yếu gồm thịt heo, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây, một số loại sữa, dầu ăn, mì ăn liền, gạo, đường, nước mắm, đồ dùng gia đình...
Các sản phẩm giảm giá rất đa dạng, như thịt heo xay, cốtlết, nạc đùi vai, chân giò... hay thịt gà gồm đùi gà góc tư, má đùi gà, cánh gà chiên, má đùi gà chiên....
Nhóm hàng thủy hải sản như tôm thẻ, lườn cá hồi, cá điêu hồng làm sạch, cá lóc đen làm sạch, đầu cá hồi đông lạnh, philê cá basa, cá trứng đông lạnh, cá cam đông lạnh cũng được thiết kế giảm giá luân phiên, nhằm giảm gánh nặng chi phí bữa cơm gia đình.
Trong đó, mặt hàng được quan tâm là rau củ quả, nông sản, nhờ thực hiện chính sách ký hợp đồng và cam kết với các đơn vị sản xuất và cung ứng hàng hóa tại nhiều địa phương trong cả nước lâu dài nên nguồn cung các nhóm hàng này vẫn đang ổn định.
Các chương trình này cũng góp phần hỗ trợ sản xuất lâu dài cho nông dân cũng như ổn định tiêu thụ, chất lượng, vì thế rất được bà con hợp tác. Hiện giá các mặt hàng rau củ quả như bí đỏ tròn, dưa leo, su su, cải caron, bí ngòi xanh, bí đỏ giống Mỹ, khoai mỡ, củ dền, bắp cải thảo, dưa leo baby Co.op Select... vẫn rất tốt, một số còn giảm nhẹ vì đang vào thời điểm thu hoạch.
Bộ Tài chính: Không điều chỉnh giá các hàng hóa Nhà nước định giá
Theo thông tin đăng tải trên báo Kinh tế đô thị, đại diện Bộ Tài chính dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3/2022 và các tháng còn lại năm 2022 như: Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch… Giá thịt lợn có thể tăng nếu nguồn cung tái đàn không đảm bảo tương ứng với nhu cầu và Dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp; Rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.
Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, trong đó với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đồng thời, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào. Giá dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ ổn định, hoặc triển khai chương trình giảm giá cho một số khách hàng.
Căn cứ diễn biến giá cả thị trường 2 tháng đầu năm và các dự báo cho năm 2022 cho thấy, vẫn có nhiều rủi ro cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022. Do vậy, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với những loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá tại Công văn số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022 về công tác điều hành giá, trong đó chú trọng:
Chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng...; trên cơ sở đó, chủ động tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách, lợi dụng các thời điểm lễ, Tết để tăng giá bất hợp lý.
Theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu và giá các mặt hàng nguyên vật liệu chính cho sản xuất trong nước đang hoặc dự báo có biến động tăng cao trên thị trường thế giới để có biện pháp quản lý, điều hành kịp thời để bình ổn thị trường nhất là đối với mặt hàng xăng dầu. Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ các giải pháp về thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160/CĐ-TTg.
Không điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ những tác động đến CPI của quý II để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra giá và kịp thời xử lý các sai phạm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.
Hương Anh (tổng hợp)