Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, một nhà quản lý danh mục của BlackRock đã thực hiện khoản đầu tư có vẻ là một món hời. Giá cổ phiếu niêm yết tại London của Polymetal, một công ty khai thác vàng của Nga, mất hơn 1/3 giá trị vào ngày 24/2.
BlackRock mua 12 triệu bảng Anh cổ phiếu của Polymetal. Thế nhưng, mọi thứ không hề suôn sẻ. Giá cổ phiếu của Polymetal tiếp tục giảm 70% vào thời điểm đóng phiên giao dịch hôm 25/2.
BlackRock là một tập đoàn đầu tư toàn cầu lớn, phụ trách nhiều mảng từ quỹ hưu trí cho đến quỹ phòng vệ. Theo Financial Times, BlackRock đang nắm giữ khối tài sản liên quan đến Nga lên tới gần 170 tỷ USD ở cuối thời điểm năm 2021.
Hiện tại, thị trường vốn tại Nga đang bị đóng băng, trong khi đó giao dịch của các công ty Nga niêm yết ở nước ngoài cũng bị tạm dừng và trái phiếu cũng gần như không thể giao dịch. Thực tế này khiến các công ty quản lý tài sản đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.
"Nếu đang nắm giữ các tài sản liên quan đến Nga, hoặc là bạn sẽ phải bán ở một mức giá rất thấp, giả sử điều này là khả thi và bạn có thể tìm thấy người mua", ông Cristian Maggio, giám đốc chiến lược danh mục thị trường mới nổi của TD Securities, nhận định. "Hoặc là bạn sẽ phải 'bỏ của chạy lấy người'".
Ở những thị trường nơi vẫn giao dịch các tài sản liên quan đến Nga, mức giá cũng gần như sụp đổ. Các khoản nợ bằng đồng USD của Nga đang được giao dịch ở mức 20 cent cho mỗi USD, trong khi đó chỉ số MSCI chuyên theo dõi các cổ phiếu Nga niêm yết trên sàn London và New Yorrk đã giảm hơn 95% trong năm nay,
BlackRock nói không thể thực hiện được giao dịch mua cổ phiếu của Polymetal sau khi tập đoàn này thiết lập các hướng dẫn đầu tư mới vào ngày 28/2 để ngăn việc mua lại tài sản Nga.
"Chúng tôi đang hành động nhanh nhất có thể và đồng phối hợp với nhiều bên khác để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong tình hình phức tạp này", BlackRock chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, tối thiểu 26 công ty quản lý tài sản gồm JPMorgan, BlackRock, Amundi, UBS, BNP Paribas, Abrdn, Schroders và Pictet đã đóng băng các quỹ có liên quan đến Nga. Financial Times dự đoán sẽ có thêm nhiều công ty nữa áp dụng động thái tương tự trong thời gian tới.
Nắm giữ cổ phần các công ty Nga của nước ngoài đang lên tới 86 tỷ USD ở thời điểm cuối năm 2021, theo dữ liệu từ Moscow Exchange. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nắm giữ 20 tỷ USD giá trị các khoản nợ bằng đồng USD của Nga cũng như 41 tỷ USD trái phiếu chính phủ bằng đồng ruble. Trong khi đó, JPMorgan ước tính các khoản nợ doanh nghiệp lên tới 21 tỷ USD.
CEO một quỹ dầu mỏ Na Uy với quy mô 1,3 nghìn tỷ USD cho biết các tài sản liên quan đến Nga có thể sẽ vô giá trị sau khi mất giá tới 90% chỉ trong 2 tuần. Fidelity International cho biết hãng đã giảm mạnh nắm giữ chứng khoán Nga ở các quỹ bị ảnh hưởng.
"Trong bối cảnh các cổ phiếu niêm yết tại Nga hiện không thể giao dịch được và không thể xác định được giá chính xác, mức giá có thể sẽ được điều chỉnh về 0", Fidelity cho hay.
Trong khi đó, Prosperity Capital Management, một trong những quỹ phòng vệ lớn và lâu đời nhất ở Nga với khoảng 3 tỷ USD tài sản, đã đình chỉ hoạt động mua lại của các nhà đầu tư và tính toán giá trị tài sản ròng trong bối cảnh quỹ Russian Prosperity của mình giảm 51% trong năm nay, tính đến ngày 24/2.
Trên website của mình, tập đoàn này cho biết đã "bị sốc" với các diễn biễn thực tế và nói thêm rằng một chiến dịch quân sự "không thể tưởng tượng được vì một số lý do đã dẫn đến một sai lầm lớn".
Các quỹ hưu trí liên quan đến thị trường Nga cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, mặc dù phần lớn chỉ nắm giữ một lượng nhỏ tài sản Nga trong danh mục.
Calpers, quỹ hưu trí đại chúng lớn nhất ở Mỹ, có khoảng 900 triệu USD tài sản liên quan đến Nga, trong tổng danh mục tài sản 478 tỷ USD.
Universities Superannuation Scheme, quỹ hưu trí lớn nhất của Anh, cũng có khoảng 0,5% tài sản (khoảng 450 triệu bảng Anh) liên quan đến Nga. "Chúng tôi đang tìm cách bán số tài sản này nhưng trong tình hình hiện tại và với những lý do hiển nhiên, hoạt động giao dịch đang cực kỳ thưa thớt", USS cho biết.
Khi các nhà đầu tư đang cân nhắc khả năng thoái vốn khỏi tài sản Nga, họ cũng không chắc chắn về việc có thể nhận được khoản thanh toán tiền lãi từ số trái phiếu Nga mà mình đang nắm giữ.
Hôm 2/3, chính phủ Nga thanh toán 96 triệu USD lãi suất coupon đến hạn cho một trong số những trái phiếu bằng đồng ruble của mình. Dù vậy, khoản thanh toán sẽ chưa chuyển được đến tay của những nhà đầu tư bên ngoài nước Nga vì ngân hàng trung ương cấm việc thanh toán tới người nước ngoài.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư chỉ có một số ít lựa chọn. "Trong ngắn hạn, nếu muốn bán, họ sẽ phải chấp nhận mức giá điên rồ… hoặc là để tài sản vào ngăn kéo và hy vọng tình thế sẽ xoay chiều", một lãnh đạo cao cấp của một công ty quản lý tài sản Châu Âu, nói.