Các Sở ngành của TP cho biết đang xúc tiến nhiều giải pháp cụ thể nhằm ổn định thị trường, thúc đẩy tiêu dùng trong tháng 3 và các tháng còn lại trong năm nay.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh cho các tiểu thương ở chợ truyền thống. Đây là giải pháp nhằm giảm chi phí bán hàng cho tiểu thương, thúc đẩy sức mua hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh cũng như mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Chợ truyền thống thường chỉ kinh doanh một buổi nên sức mua không lớn. Hiện nay đã có trên 20 chợ thực hiện mô hình chợ truyền thống online, các tiểu thương sử dụng nền tảng này để gia tăng lượng bán hàng".
Để góp phần kéo giảm giá cả hàng hóa, thúc đẩy tiêu dùng, đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh kỳ vọng đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1000 đồng/lít xăng sẽ sớm được áp dụng, đồng thời đang tính toán để giảm thêm thuế thu nhập cá nhân.
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, nói: "Mức thuế lũy tiến hiện nay đang lạc hậu sẽ điều chỉnh lại. Điều này cơ quan thuế cũng sẽ cùng với các đơn vị tính toán mức giảm như thế nào cho phù hợp".
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù trong 2 tháng đầu năm kinh tế xã hội TP Hồ Chí Minh có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên để đạt được mục tiêu khôi phục, phát triển kinh tế trong năm nay, nhiệm vụ kiểm soát giá, ổn định thị trường phải được đặt lên hàng đầu.
Ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, nhận định: "Tăng cường công tác kiểm soát giá, chúng ta tránh trường hợp đầu cơ găm hàng, té nước theo mưa ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá phải được đặt ra".
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nói: "Tình hình kinh tế xã hội TP Hồ Chí Minh cũng đang đối diện với một số vấn đề cần lưu tâm. Dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Đối với các doanh nghiệp sau phục hồi vẫn còn yếu cũng còn nhiều khó khăn thì đây là những vấn đề cần phải quan tâm hơn trong thời gian tới".
Trong 2 tháng đầu năm nay, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh tăng so với cùng kỳ. Ngành lưu trú và ăn uống tăng hơn 18% so với tháng trước. TP Hồ Chí Minh kỳ vọng, cùng với các giải pháp ổn định thị trường và chính sách mở cửa du lịch trở lại vào ngày 15/3 sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.11083247060302202-gnourt-iht-hnid-no-pahp-iaig-mit-hnim-ihc-oh-pt/et-hnik/nv.vtv