Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
80 mùa xuân, mẹ đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả, thậm chí là những trắc trở tưởng chừng như không thể nào vượt qua.
Thế nhưng, sau bao thử thách ấy, mẹ được an yên tuổi già. Một trong những điều đặc biệt là dường như chỉ có mẹ mới là người nhận được món quà đặc biệt vào ngày của thế giới phụ nữ (8-3, 20-10) và Ngày nhà giáo Việt Nam.
Những món quà ấy rất giản dị, đó là lời chúc của đứa con trai (nay đã là cha của hai đứa con tuổi lên 11 và 15) hay là những đóa hồng tặng mẹ.
Con nhớ, nhiều năm trước vào những dịp này gọi điện về chúc mừng mẹ thì mẹ rất hạnh phúc. Có những lúc bận rộn chưa kịp gọi về, mẹ vẫn chờ cuộc điện thoại của con.
Đời con tặng hoa cho mẹ được bao nhiêu lần? Tùy thuộc vào "góc nhìn" của mỗi người con. Tặng hay không không phải là điều quá quan trọng. Người con báo hiếu cho cha mẹ bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ở thôn quê, việc con cái mua hoa tặng mẹ vào dịp lễ là rất hiếm. Con chưa từng được biết, được nghe kể. Và mẹ chính là người trong số "hiếm" ấy được nhận những bông hồng đong đầy tình yêu thương của con.
Có dịp về quê con đã trực tiếp mua tặng mẹ, còn lại là nhờ người thân mua hoa từ thị trấn mang vào nhà. Nhiều người nói tiền mua hoa ấy để đưa thêm cho mẹ sử dụng hay mua món gì đó bằng vật chất sẽ thiết thực hơn.
Nếp nghĩ ấy chẳng sai chút nào, nhưng với con, hoa hồng tặng mẹ còn quý hơn cả vật chất. Mẹ vui và hạnh phúc vì những gì con làm, đón nhận những bông hồng từ tấm lòng người con trai gửi về. Đó là món quà của lòng biết ơn sâu nặng - ơn nghĩa sinh thành.
Ngày 8-3 lại về. Ngày này đã trở thành những kỷ niệm không thể thiếu đối với mẹ con mình. Dù chỉ là một cuộc điện thoại gọi về, dù chỉ là món quà nho nhỏ nào đó hay là những đóa hoa hồng... đều là tình cảm của con dành cho mẹ.
Ngày 8-3 lại về. Có những lúc con cũng tự hỏi liệu con sẽ tặng hoa cho mẹ vào ngày này (cũng như 20-10, 20-11) được bao lần nữa? Và con cũng rất mong rằng sẽ còn có nhiều lần con còn có thể tặng mẹ.
Sao mắt tôi cay!
Vợ sinh, người đầu tiên tôi gọi là má. Tôi bảo: "Má sắp xếp việc nhà, bắt xe vô Sài Gòn phụ vợ chồng con với!". Bên kia điện thoại, giọng má nghe hối hả ậm ừ, rồi tới nửa đêm má gọi lại bảo vừa nhờ hàng xóm khiêng chiếc tivi đi gửi để sáng mai má khóa cửa nhà và lên xe sớm.
Hôm ra đón má tôi giật mình vì mới non nửa năm chưa gặp mà suýt không nhận ra. Má già, tóc bạc, mặt hóp lại và đôi bàn tay trơ gầy cố giấu dưới chiếc ống rộng. Ngày đó, má 39 ký, cả áo quần thùng thình.
Tôi chở má sau xe mà có cảm giác túi đồ đặt trước còn nặng hơn cả má! Con gái tôi chào đời đúng ngày vợ bị thủy đậu nên bác sĩ cách ly. Làm bố ở tuổi hai mươi bảy, tôi bỡ ngỡ như đứa trẻ lần đầu lên lớp 1.
May mà có má! Từ hôm vô Sài Gòn, việc gì cũng đến tay, má bảo cứ để đó má làm, từ pha sữa, giặt đồ, nấu nướng cho đến thay tã, bồng bế, dỗ dành.
Từ ngày vô Sài Gòn, má không ra khỏi căn phòng nhỏ. Những phút giây thư thả nhất má thường ngồi một mình trông ngóng ra ngoài cửa sổ. Tôi biết má suy tư điều gì, má đợi ngày về nhà, má nóng ruột vì ngày giỗ cha tôi sắp tới.
Sợ má cứ ngồi buồn, vợ cùng tôi mổ heo đất mua cho má cái điện thoại thông minh. Tôi lập Facebook, cài Zalo để má tiện gọi cho hàng xóm, anh em họ hàng ngoài quê. Thời gian đầu má vui, chúng tôi mừng. Nhưng chỉ chừng hơn một tháng, mắt má vẫn ngóng ra ngoài cửa sổ.
Tôi bàn với vợ, hay chúng mình về quê sống, để gần má. Rồi không suy tính gì nhiều, chúng tôi nghỉ việc và về. Rồi tôi làm nhà riêng, cách nhà má khoảng vài cây số.
Việc kiếm sống ở quê cũng khó hơn ở phố nên gia đình nhỏ của tôi mỗi tuần chỉ ghé má được đôi ba lần. Mỗi lần từ nhà má ra về, vợ bảo "không đành lòng". Tôi nín lặng!
Hôm cuối tuần, hai vợ chồng đi chợ mua đồ xuống nấu bún riêu - món má thích nhất. Đến cổng, nghe má từ trong nhà nói vọng ra: "Má dính COVID-19 rồi, đem cháu về đi".
Mắt tôi chợt cay xè.
KHÁNH HƯNG
TTO - Không chỉ là một câu trong bài hát. Đó hãy là mệnh lệnh từ tận đáy lòng mỗi người làm cha, làm mẹ không được quyền quên khi đón đứa con mình chào đời!
Xem thêm: mth.11890839150302202-gnoh-gnob-av-3-8-yagn-em/nv.ertiout