Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc ĐBSCL cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này.
Ông Hoan cho rằng nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ĐBSCL, đang đối mặt những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới.
Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong dịch bệnh COVID-19 và những sự kiện thời sự nóng bỏng những ngày gần đây là minh chứng rõ nét về một thế giới đầy rẫy "biến động, bất định, phức tạp và có phần mơ hồ".
Tuy nhiên, thách thức lớn hơn được nhắc đến nhiều lần trên các diễn đàn là một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết vùng.
Ông Hoan cho biết bộ sẽ khai trương Văn phòng điều phối nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ để hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; nối kết chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống; hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp cấp vùng.
Bộ cũng đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền...
Đề xuất xây dựng 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao
Báo cáo về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, ông Trần Thanh Nam - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - đã nêu ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Đáng chú ý trong các giải pháp này là trước mắt sẽ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ chương trình đầu tư phát triển bền vững khoảng 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao ở vùng ĐBSCL để nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân, đảm bảo an ninh lương thực và chế biến, xuất khẩu.
TTO - Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chiến lược nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ tiếp cận dòng chảy, xu thế tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới.