Sáng 6-3, tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường đi bộ Nguyễn Huệ diễn ra chương trình diễu hành với áo dài. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Áo dài 2022 với chủ đề Khát vọng hòa bình.
Hơn 2.000 người từ các độ tuổi khác nhau đã tham gia buổi diễu hành. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Chương trình diễu hành với áo dài là hoạt động góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp của chiếc áo dài Việt Nam trong cộng đồng. Ngoài ra, chương trình còn gắn với nội dung chào mừng 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và hưởng ứng Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới. Có hơn 2.000 người từ các độ tuổi khác nhau đã tham gia buổi diễu hành.
Chương trình gắn với nội dung chào mừng 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Chị Nguyễn Thị Bích Thảo là đại diện cho đơn vị phường Tân Chánh Hiệp (Quận 12) tham gia buổi diễu hành. Chị Thảo cho biết đã rất hào hứng mong chờ buổi Lễ hội Áo dài hôm nay để được chiêm ngưỡng hình ảnh tà áo dài Việt Nam tung bay khắp trời.
“Tôi thấy hãnh diện khi khoác lên mình bộ áo dài Việt Nam. Những du khách thấy chúng tôi mặc áo dài cũng đứng lại chụp hình làm tôi cảm thấy rất tự hào. Các con tôi đều rất thích mặc áo dài. Tôi mong thế hệ sau cũng luôn yêu thích tà áo dài Việt Nam và hy vọng người Việt Nam sẽ giữ gìn nét đẹp truyền thống này mãi mãi” - chị Bích Thảo bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Bích Thảo (ngoài cùng bên phải) tham dự buổi lễ để được chiêm ngưỡng hình ảnh tà áo dài tung bay khắp trời. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Chị Thảo còn bật mí rằng hàng năm đều mong đến Quốc tế Phụ nữ 8-3 để được mặc áo dài. Vào những dịp Tết, chị đều sắm áo dài cho cả gia đình mặc đi du xuân. Ngoài ra, khi đi họp ở cơ quan hay tổ chức đi chơi dã ngoại chị đều mặc áo dài, vừa lịch thiệp lại vô cùng xinh đẹp.
Bà Trương Thị Hồng (66 tuổi, ngụ quận 8) lần đầu cùng bạn bè đến tham dự Lễ hội Áo dài. Bà cho biết dù đã về hưu, hiện chỉ ở nhà nội trợ nhưng vì rất thích áo dài nên quyết định tham gia buổi lễ. Bà còn hy vọng năm sau và những năm sau nữa, TP sẽ tổ chức nhiều hoạt động như thế này để phụ nữ có nhiều cơ hội được mặc áo dài hơn và để giá trị văn hóa của nó được lưu truyền mãi.
Bà Trương Thị Hồng lần đầu cùng bạn bè đến tham dự Lễ hội Áo dài. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Bà Hồng chia sẻ: “Mặc dù dáng tôi không được đẹp nhưng tôi rất thích mặc áo dài. Có nhiều mẫu áo dài thoải mái và tiện lợi cho những người phụ nữ đứng tuổi như tôi. Khi đến đây, được nhìn thấy mọi người mặc áo dài, tôi cảm thấy vui lắm. Phụ nữ ai mặc áo dài vào cũng trở nên xinh đẹp hơn hẳn. Năm nào tôi cũng may vài cái áo dài để mặc vào dịp tết hay những lúc đi dự lễ hội vì mặc áo dài chụp hình lên rất xinh”.
Nhiều người mặc áo dài nhóm cùng bạn bè, người thân tham gia lễ hội. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Giống như bà Hồng, anh Cao Nguyễn Nam Hiền cũng lần đầu được đến tham dự Lễ hội Áo dài. Anh chia sẻ rằng khá vui khi là một trong 30 người đại diện cho Hội Liên hiệp Thanh niên quận Bình Thạnh tham dự chương trình. Được khoác lên mình chiếc áo dài Việt Nam, anh cho biết cảm thấy rất vinh dự.
“Khi đến đây thấy rất nhiều người mặc những tà áo dài rực rỡ sắc màu, tôi cảm thấy vô cùng hào hứng. Sau một khoảng thời gian dài giãn cách thì đây là dịp để mọi người tụ họp vui chơi. Lễ hội Áo dài như là sự hồi sinh trong đời sống tinh thần của người dân TP chúng ta vậy. Là người Việt Nam, tôi cảm thấy tự hào về áo dài truyền thống của nước ta” - anh Nam Hiền bày tỏ.
Chim bồ câu tung bay trong lễ hội Khát vọng hòa bình. Ảnh: THẢO PHƯƠNG