Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC
Phát biểu kết luận hội nghị "Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long" ngày 6-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra 28 chữ định hướng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Đó là: "Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, chủ động thích ứng, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công tư, đời sống chất lượng".
Về nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng muốn phát triển nông nghiệp thì phải phát triển công nghiệp (chế biến, chế tạo) và phát triển dịch vụ (logistics và dịch vụ liên quan sản phẩm nông nghiệp). Tức là phát triển nông nghiệp, nhưng phải lấy công nghiệp, dịch vụ làm bệ đỡ phát triển và Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương trong điều hành phải tư duy theo định hướng này.
Thủ tướng cũng yêu cầu bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phải xác định trọng tâm, trọng điểm, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân và không đầu tư dàn trải. "Vừa qua tôi chỉ đạo rất quyết liệt, Chính phủ rất quyết liệt về không đầu tư dàn trải. Phải rà soát lại cái gì cần thiết thì đầu tư, cái gì không cần thiết thì dừng lại. Dàn trải, manh mún, chia cắt thì không ra gì cả", ông khẳng định.
Về thị trường, Thủ tướng lưu ý đa dạng hóa thị trường, trong đó đẩy mạnh vào thị trường Đông Bắc Á, ASEAN, thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Đông. Theo Thủ tướng, mỗi thị trường có nhu cầu sản phẩm khác nhau, vì vậy cần tìm tòi, sáng tạo để đưa sản phẩm vào các thị trường.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng lưu ý về "4 tốt". Theo đó, phải có quy hoạch tốt bởi có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, có dự án tốt rồi mới có nhà đầu tư tốt và khi có nhà đầu tư tốt rồi thì sẽ có sản phẩm tốt.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long với gần 10 triệu hộ nông dân đang đứng trước lựa chọn chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Nhưng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang vướng các nút thắt khi hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học bị suy kiệt sau thời gian dài lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tư duy theo mùa vụ của người nông dân, tầm nhìn theo thương vụ của doanh nghiệp vô tình gây trở ngại cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ.
"Những vấn đề nội tại cho thấy, dù hạ tầng được đầu tư như thế nào, nhưng nếu không giải quyết thỏa đáng những nút thắt vừa nêu thì cũng khó và chậm cải thiện được tình hình mất cân đối cung cầu.
Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt", ông Hoan nói.
Ký kết hợp tác giữa Bộ NN&PTNT với 13 địa phương ĐBSCL
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Bộ NN&PTNT với 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Cũng tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã diễn ra lễ ký kết chương trình hợp tác về phát triển nông nghiệp, nông thôn giữa Bộ NN&PTNT với 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây là lần đầu tiên có sự ký kết hợp tác như trên. Với việc ký kết này, bộ hy vọng đến năm 2025, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng xã hội, giáo dục, nguồn nhân lực, tư duy liên kết vùng sẽ quyết định sự phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
TTO - “Siêu cống” thủy lợi lớn nhất Việt Nam đã được Thủ tướng phát lệnh chính thức khánh thành. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án này.