Sự bành trướng của NATO
Theo hãng tin Russia Today (RT) của Nga, nước Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể thoải mái gây chiến từ Afghanistan, Iraq, Libya, Kosovo và Syria mà không phải chịu phạt. Trong khi đó, Nga và Tổng thống Vladimir Putin bị truyền thông đại chúng miêu tả như thể là Đức Quốc xã vì hành động quân sự của mình tại Ukraine.
Vậy thì phải có một lý do nào đó khiến việc sử dụng vũ lực của một quốc gia được cho là “chính đáng”? Liệu hành động của Nga có được cho là “chính đáng”, hoặc ít nhất là “có thể hiểu được”?
Trước hết, phải làm rõ một điều là hành vi đạo đức giả và tiêu chuẩn kép của người này không thể bào chữa cho hành vi bạo lực của người khác. Nghĩa là, dù khối NATO đã gây chiến tranh ở nhiều nơi, không có nghĩa là Nga, hay bất cứ quốc gia nào, có quyền làm điều tương tự.
Trong một bài phát biểu nổi tiếng tại hội nghị An ninh Munich vào năm 2007, Tổng thống Vladimir Putin đã chua chát hỏi: “Tại sao phải đặt hạ tầng quân sự ngay biên giới trong cuộc bành trướng [của NATO] lần này? Có ai giải thích cho tôi được không?”
Ở phần sau bài phát biểu, ông nói “[việc NATO đặt căn cứ quân sự sát biên giới] chẳng liên quan gì đến lựa chọn dân chủ của các quốc gia thành viên”.
Mối lo ngại của lãnh đạo Nga đã bị bỏ ngoài tai, khi NATO kết nạp liên thêm 4 thành viên: Albania, Croatia, Montenegro và Bắc Macedonia. Hãy thử giả sử, phản ứng của Mỹ sẽ như thế nào, nếu Nga liên tục mở rộng khối quân sự tại Nam Mỹ.
Tháng 12/2021, khi đã gần hết sự kiên nhẫn, Moscow gửi đến NATO và Mỹ một bản dự thảo hiệp ước, yêu cầu ngừng bành trướng quân sự sang phía đông, bao gồm cả Ukraine.
Bản hiệp ước kết thúc bằng tuyên bố: “[NATO] không được tiến hành bất cứ hoạt động quân sự nào trên lãnh thổ Ukraine hoặc bất cứ quốc gia nào tại Caucasus hay Trung Á”. Một lần nữa, lời đề nghị của Nga bị phớt lờ, tờ RT đưa tin.
Có nhiều ý kiến trái chiều về hành động chiến tranh của Nga nhưng chẳng ai có thể nói rằng Moscow chưa hề cảnh cáo.
Nếu vậy, việc Nga lo lắng về an ninh có thể coi là một lý do chính đáng, giải thích cho hành động quân sự. Tuy nhiên, điều tương tự thật khó có thể áp dụng cho Mỹ hoặc NATO trong suốt hai thập kỷ qua, hãng tin của Nga lập luận.
Biệt đội Mỹ: Cảnh sát thế giới
Theo một hãng tin khác của Nga là Sputnik News, NATO do Mỹ dẫn đầu đã trở thành một lực lượng “cảnh sát thế giới”, can dự vào công việc nội bộ của các quốc gia trên toàn thế giới, đa số là không mời mà đến.
Ngày 23/3/1999, Tổng thư ký NATO khi đó là ông Javier Solana đã tuyên bố tổ chức quân sự này sẽ tiến hành không kích tại Kosovo chống lại quân đội Serbia.
Cả Kosovo và Serbia đều thuộc Liên bang Nam Tư cũ (Yugoslavia). Khi Liên bang này tan rã đầu thập niên 1990, Kosovo đòi độc lập nhưng Serbia không đồng ý, dẫn tới chiến tranh. NATO can thiệp với lý do "chấm dứt một thảm họa nhân đạo" đang diễn ra ở Kosovo.
Hành động quân sự của NATO không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn và chiến dịch không kích dài 78 ngày đêm khiến cho ít nhất 488 dân thường Nam Tư thiệt mạng.
Vào năm 2003, vài quốc gia thuộc NATO, với sự dẫn đầu của Mỹ và Anh, đã xâm lược Iraq trong một nhiệm vụ “giả tưởng’ để tìm vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chỉ riêng Mỹ đã gửi 177.000 quân tới chiến trường Iraq, nhiều hơn số lượng quân Nga trong chiến dịch đặc biệt tại Ukraine lần này. Thương vong của dân thường Iraq trong chiến dịch quân sự của Mỹ cũng rất lớn.
Năm 2011, NATO đã thiết lập vùng cấm bay và cấm vận vũ khí trong cuộc nội chiến Libya. Kể từ khi Tổng thống Muammar Gaddafi bị giết bởi lực lượng được NATO hậu thuẫn, Libya đã phải chịu hơn 10 năm nội chiến, với hàng nghìn người bỏ mạng.
Tháng 4/2017, hơn 50 tên lửa Tomahawk được phóng đi từ tàu của Hải quân Mỹ tại Địa Trung Hải tới sân bay quân sự của Syria. Quyết định này được đưa ra sau khi Nhà Trắng cho rằng chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học với người dân tại vùng tây nam Idlib.
Một năm sau, Mỹ, Anh và Pháp ném bom các mục tiêu thuộc chính phủ Syria tại Damascus và Homs theo một cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Douma.
Cả hai cuộc không kích năm 2017 và 2018 đều không được sự cho phép của Hội đồng Bảo an, và chưa có bằng chứng nào về việc những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học được chính quyền Syria thực hiện, Sputnik News đưa tin.
Ai trừng phạt phương Tây?
Trang tin RT của Nga giả sử rằng, nếu thế giới này hoàn hảo, chắc chắn Mỹ và đồng minh sẽ phải chịu sự trừng phạt nặng nề cho những hành động quân sự của mình trong suốt hai thập kỷ qua.
Thật ra, cũng có các biện pháp trừng phạt, nhưng không phải tới Mỹ, mà lại là Pháp, thành viên NATO từ chối tham gia chuyến “phiêu lưu” của Lầu Năm Góc tại Iraq.
Nhiều chính trị gia Mỹ yêu cầu tẩy chay rượu vang và nước đóng chai của Pháp bởi hành vi “vô ơn”, phản đối chiến tranh tại Iraq. Nhiều người khác lại chọn cách kích động bằng việc gợi ý đổi tên “khoai chiên Pháp” thành “khoai chiên tự do”.
Không thành viên NATO nào phải chịu các lệnh trừng phạt hà khắc như với trường hợp của Nga.
Cuộc chiến thông tin
Ngoài những lệnh trừng phạt mạnh mẽ lên cá nhân và kinh tế Nga, Phương Tây còn nỗ lực ngăn chặn thông tin từ phía Nga. Phương Tây lo sợ những nguồn tin này có thể cho công chúng cơ hội thấy được góc nhìn của Nga về vấn đề Ukraine, RT viết.
Bằng cách bôi nhọ Nga như là một “đế chế của những lời dối trá”, nhiều người sẽ tin rằng Nga hoàn toàn đáng bị trừng phạt.
Cách thức tiếp cận liều lĩnh, không chừa chỗ cho tranh luận hay thương thuyết, không nhìn từ góc nhìn của Nga trong vấn đề vô cùng phức tạp này, chỉ có thể đem đến kết cục là chiến tranh.
Nếu không muốn tạo ra Thế chiến III, Phương Tây nên chấm dứt sự đạo đức giả và tiêu chuẩn kép, sau đó hãy bình tĩnh và lắng nghe quan điểm của Nga, RT viết.