Nhiều áp lực chi phí sản xuất, kinh doanh
Ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy, các doanh nghiệp tại Tp.HCM cho biết, hầu hết chi phí đầu vào đều tăng theo giá xăng dầu, trong khi giá bán đầu ra chưa thể tăng vì sức mua thấp.
Ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt, chuyên các sản phẩm thực phẩm thương hiệu V-Food nói: “Khoảng 2 tuần trở lại đây giá nguyên liệu đầu vào đã tăng hơn 40%. Phần lớn đơn vị cung cấp nguyên liệu đều lấy lý do giá xăng dầu tăng buộc họ phải tăng giá bán”.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp của ông Cường đang rất vất vả trong việc cân nhắc tăng giá bán đầu ra. Doanh nghiệp có tham gia chương trình bình ổn thị trường của Tp.HCM nhưng thời gian tới, nếu đà tăng chi phí vẫn tiếp tục thì doanh nghiệp buộc phải xin điều chỉnh lại giá bán ra của chương trình này.
Do đó, doanh nghiệp này đề nghị cơ quan chức năng ngồi lại cùng các doanh nghiệp sản xuất lẫn bán lẻ để chia sẻ giải pháp giảm chi phí bán hàng nhằm hạn chế tác động thấp nhất của giá xăng dầu lên giá sản phẩm.
Cùng lĩnh vực lương thực thực phẩm, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) chia sẻ, từ cuối quý IV/2021, Vissan đã dự báo thời gian quý I/2022 sẽ có biến động giá nguyên liệu là tăng 10-30% tùy mặt hàng.
“Nhưng lúc ấy, chúng tôi chưa tính toán đến chuyện giá xăng tăng mạnh và liên tục như hiện nay. Với tình hình này doanh nghiệp chỉ có thể gồng mình chịu đựng chứ chưa thể tăng giá bán vì sức mua hiện quá thấp”, ông Dũng trần tình.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh vận tải đang bị tác động trực tiếp vào hoạt động từ việc tăng giá xăng dầu. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM đánh giá, áp lực từ giá xăng tăng đã khiến các doanh nghiệp taxi khó có thể “gồng mình tiếp tục chống đỡ” nữa.
“Các công ty trong ngành vận tải đang cầm cự, đứng trước nguy cơ buộc phải tăng giá cước nếu Chính phủ không sớm có chính sách điều chỉnh các loại thuế, phí để kìm hãm giá nhiên liệu trong thời gian sớm nhất”, ông Hỷ khẳng định.
Một chủ vựa kinh doanh thuỷ sản cũng cho biế, nhu cầu tiêu thụ giảm khoảng 30-40% trong khi giá hàng hóa nhập về tăng từ 15-20 nghìn đồng/kg. Trong đó, nguyên nhân là do giá xăng dầu và nhiều chi phí vận chuyển tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ hiện cũng rơi vào thế khó trong chuyện tăng giá bán với kênh siêu thị vì cần thực hiện thủ tục trước hàng tháng. Đại diện một hệ thống siêu thị tại Tp.HCM nhận xét: “Nếu giá đầu vào tăng liên tục, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Khi đó khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ gặp nhiều bất lợi hơn, rủi ro của doanh nghiệp vì thế cũng tăng. Đây là điều các doanh nghiệp không mong muốn trong bối cảnh hiện nay”.
Cần giải pháp kiềm chế, ổn định
Tại phiên họp triển khai nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 3/2022 vào ngày 4/3, đại diện Cục Thống kê Tp.HCM chỉ ra, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo tính toán của Cục Thống kê Tp.HCM, khi chỉ số giá bình quân xăng dầu tăng 1% sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 0,034%.
Tháng 1/2022, giá xăng tăng 2,66% so với tháng 12/2021 đã làm chỉ số tiêu dùng của Tp.HCM tăng 0,09%. Đến tháng 2, giá xăng tăng 5,77% so với tháng trước đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,2%.
Trao đổi với Người Đưa Tin, lãnh đạo Sở Công Thương Tp.HCM cho biết, Tp.HCM là một trong những trung tâm tiêu thụ lớn về xăng dầu của cả nước với cơ sở vật chất để đảm bảo lượng dự trữ hàng hóa tương đối lớn.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương nhận định: “Tp.HCM chịu sự tác động khó khăn từ tình hình chung cả nước và thế giới. Từ đầu năm đến tháng 3/2022, giá xăng dầu tăng khoảng 13%. Việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến tất mọi người trong xã hội, kể cả chi tiêu hộ gia đình lẫn sản xuất, kinh doanh”.
Cụ thể, tại Tp.HCM, chi phí xăng dầu chiếm 1,5% chi tiêu hộ gia đình và 9,43% tổng mức bán lẻ. Khi giá xăng tăng 10% sẽ làm CPI tăng khoảng 0,36%. Trong khi đó, xăng dầu chiếm khoảng 65 – 70% chi phí vận tải nên giá xăng tăng 10% sẽ khiến GDP giảm khoảng 0,7%.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng bình quân 13%, vậy tạm tính CPI sẽ tăng 0,47% và GRDP sẽ giảm 0,91% nếu không có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Công tác giám sát của Sở Công Thương Tp.HCM ghi nhận giá cả tại các siêu thị, chợ đã tăng 3 – 8 % tùy mặt hàng trong bối cảnh giá xăng dầu có biến động từ đầu năm 2022.
“Chỉ số CPI trong tháng 1/2022 của Tp.HCM có tăng nhưng chúng ta kiểm soát được do doanh nghiệp đã có kinh nghiệm thích ứng, xử lý trước tình hình biến động. Nhưng đến hiện nay thì khó khăn hơn. Các doanh nghiệp đang tìm cách giảm chi phí, giữ giá thành, kiềm hãm tăng giá vì doanh nghiệp hiểu rõ rằng thu nhập của người tiêu dùng vẫn chưa cải thiện sau thời gian cao điểm dịch Covid-19 năm 2021”, ông Vũ nhận định.