Hãng gọi xe công nghệ này sẽ tăng giá 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP HCM lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Cả hai mức này tăng 2.000 đồng so với hiện tại. Grab cũng tăng giá mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này lên 10.000 đồng, tăng 500 đồng. Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000-2.500 đồng cho 2 km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.
Với dịch vụ GrabBike, tại Hà Nội, giá 2 km đầu tiên tăng 1.500 đồng, lên 13.500 đồng, mỗi km sau đó 4.300 (tăng 300 đồng). Mức cước dịch vụ này tại TP HCM cũng tăng nhẹ lên 12.500 cho 2km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi km tiếp theo. Grab cũng đồng loạt áp dụng giá mới cho các dịch vụ khác như GrabExpress, GrabMart và GrabFood.
Grab cho biết mức cước mới sẽ áp dụng từ 10/3 để thích ứng với biến động giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Động thái này sẽ giúp bù đắp một phần chi phí của đối tác, giúp tài xế có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như khuyến khích họ phục vụ tốt hơn. Lần gần nhất Grab tăng giá cước là cuối năm 2020.
Sau 6 lần tăng liên tiếp, giá xăng đang tiến sát 27.000 đồng và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay. So với cùng kỳ năm ngoái, mỗi lít xăng RON95 đắt thêm 7.837 đồng; E5 RON92 là 8.220 đồng và dầu diesel đắt hơn 7.067 đồng.
Hiện tại, Grab cũng là hãng gọi xe công nghệ đầu tiên thông báo tăng giá cước trên thị trường. Còn với một số hãng taxi truyền thống lớn, nếu nhà chức trách không đưa ra phương án giảm thuế môi trường để kìm giá xăng, họ buộc phải điều chỉnh giá cước.
Đại diện Vinasun mới đây thừa nhận khả năng phải tăng giá nếu thuế, phí xăng dầu không nhanh chóng giảm. Tương tự, Tập đoàn Mai Linh cũng cho biết không "gồng" nổi các loại chi phí. Ngoài giá nhiêu liệu đầu vào đang tăng ở mức hai con số, các chi phí khác trong mùa dịch mà họ phải gánh cũng đi lên.