Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 6/3, ông Nguyễn Như Lân, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, cho biết, đến nay khoảng 80% người Việt tại 3 thành phố lớn là Kiev, Kharkov và Odessa đã di tản xong, những người khác ở lại để bảo vệ tài sản ở những khu của người Việt như làng Thời Đại…
Một điểm tiếp nhận người Việt từ Ukraine sang Romania. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Romania |
Theo ông Lân, khó khăn nhất trong lúc di tản là phương tiện, khi nước sở tại không còn vận hành hệ thống tàu và xe buýt nữa. Ông cho biết, tổ công tác của ông ở đã phải thường trực tại ga Lviv (ở phía tây Ukraine) để phối hợp thuê phương tiện đưa bà con ra cửa khẩu nhanh chóng và an toàn. Đến nay, nhóm của ông Lân đã tổ chức thành công một số chuyến đưa bà con sang Ba Lan, tránh dồn ứ cục bộ tại nhà ga đường sắt của Lviv.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân
Chiều 6/3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nghe Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng báo cáo về vấn đề bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine. Chủ tịch nước nói rằng, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine; tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư là không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương. Vì vậy, công tác bảo hộ công dân cần được đặc biệt quan tâm. Cùng với đó, không được để người dân trong quá trình di tản bị đói, lạnh. Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, nhất là trong lúc chiến sự đang diễn ra.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Chính phủ có kế hoạch tổ chức các chuyến bay miễn phí đưa những trường hợp khó khăn và có nguyện vọng về nước; đồng thời yêu cầu thực hiện đúng quy trình, ưu tiên phụ nữ, trẻ em, người già. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao bà con kiều bào Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực, chủ động hỗ trợ người Việt tại Ukraine sơ tán khỏi vùng chiến sự.
TTXVN
Trong thời gian hỗ trợ bà con, ông Lân kể ông cảm thấy xót xa khi thấy những phụ nữ bụng mang dạ chửa hoặc mang theo con nhỏ đi trong dòng người di tản đông đúc. Các cán bộ cũng nỗ lực giúp đỡ giấy tờ cho những công nhân làm việc tại các xưởng may “đen”, nhân dịp này họ có thể sang nước thứ ba để tìm được công ăn việc làm và đời sống mới. “Xảy ra chiến sự là việc không ai mong muốn, bà con nói chung ai cũng xót xa, lo lắng, nhưng Đại sứ quán và hội đoàn đã vận động để bà con di tản. Việc di chuyển, nhập cảnh, xin quy chế tị nạn tuy vất vả nhưng khó khăn cũng qua đi và dần dần giải quyết được”, ông Lân nói.
Tại Ba Lan, các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán tại thực địa cho biết, họ phải làm việc suốt ngày đêm mấy ngày qua, xuống tận biên giới để hỗ trợ tốt nhất cho những người có giấy tờ hoặc thiếu giấy tờ, để bà con có thể vào sớm nhất, đăng ký nguyện vọng về nước trên chuyến bay giải cứu hoặc đến cơ quan chức năng của Ba Lan làm thủ tục để di tản theo chế độ của Liên minh châu Âu (EU). Với điều kiện nguồn lực có hạn, Đại sứ quán đã kêu gọi cộng đồng người Việt ở Ba Lan chung tay quyên góp, hỗ trợ về nhân lực.
Anh Phan Châu Thành, quản trị viên trang Facebook của Uwaga - Hội người Việt ở Ba Lan, liên tục cập nhật những nỗ lực của cộng đồng để hỗ trợ bà con từ Ukraine. Ngày 5/3, anh Thành nói rằng, những người xứng đáng được vinh danh và nể trọng nhất trong đợt cứu trợ này là các tình nguyện viên trên cửa khẩu và các lái xe xung phong đi đón bà con. “Cả tuần nay, người thì ít, có một nhúm, chạy như con thoi giúp hàng trăm người, nhất là ban đêm phải hoạt động tích cực nhất vì thương mọi người vạ vật trong giá lạnh. Bản thân tình nguyện viên lại ăn ngủ tạm bợ, nhưng không ai kêu, không ai than cả. Đêm qua, mình ngủ được 4 tiếng mà không bị gọi dậy, nhưng mình còn tốt chán, vì nhiều bạn tình nguyện viên khác còn không được ngủ một tuần nay rồi”, anh Thành chia sẻ.
Nhóm tình nguyện viên trẻ Việt Nam tại Warsaw cho biết, tất cả quần áo, mũ len, găng tay, giầy dép, áo khoác… của cộng đồng quyên góp đã được chuyển đến rất nhiều nơi để bà con đỡ vất vả ở nơi sơ tán.
Những nỗ lực đó khiến nhiều người cảm động. “Gia đình mình đã đến được nơi an toàn ở Ba Lan. Rất cảm ơn các cô chú anh chị em tình nguyện viên, bác chủ nhà đã giúp đỡ những người Việt Nam từ Ukraine sang tị nạn. Mọi người không quản đêm hôm, mưa gió lạnh rét để đi xe hơn 300km chạy đến cửa khẩu khi nghe tin người Việt cần giúp đỡ. Về đến nơi tạm trú cũng thấy tình người nơi đây rất ấm áp. Các bác, cô chú và anh chị quan tâm chăm sóc cho mọi người từng miếng ăn giấc ngủ rất chu đáo. Để những người tị nạn có chỗ ăn ở như vậy là bao công sức, tiền của và tâm huyết của mọi người bỏ ra. Chân thành tự tận đáy lòng rất cảm ơn mọi người ạ”, anh Vy Hung viết trên trang của Hội người Việt ở Ba Lan ngày 5/3.
Anh Thành cũng tập hợp danh sách cơ sở kinh doanh của người Việt ở Ba Lan sẵn sàng nhận đồng bào từ Ukraine sang làm việc, để giúp họ tạm ổn định cuộc sống.
Dành ưu tiên cao nhất
Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước lân cận Ukraine như CH Séc, Romania, Hungary, Slovakia... cũng đang tích tực hỗ trợ đón bà con sơ tán từ Ukraine, dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, bảo vệ an toàn tối đa tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Romania phối hợp Hội người Việt Nam tại Romania cùng nhiều hội đoàn khác của người Việt ở nước này đã đón và hỗ trợ khoảng 800 người Việt từ Ukraine. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary, tính đến hết ngày 5/3 (giờ địa phương), Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Hungary đã đón, hỗ trợ hơn 200 kiều bào sơ tán từ Ukraine, trong đó khoảng 140 trường hợp được hỗ trợ chỗ ở, số còn lại được hỗ trợ để đi tiếp ngay sang nước EU khác.
Ngày 6/3, Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Thái Xuân Dũng chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp hỗ trợ người Việt từ Ukraine di tản sang CH Séc và các nước lân cận. Đại sứ cho biết, số lượng người Việt từ Ukraine sang CH Séc không nhiều, chỉ hơn chục người. Để làm tốt công tác bảo hộ công dân, Đại sứ đề nghị thành lập Ban công tác hỗ trợ người Việt từ Ukraine, để trao đổi thống nhất cách thức, biện pháp hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang CH Séc và các nước láng giềng ở Trung và Đông Âu. Việc hỗ trợ tập trung vào nhu yếu phẩm, nơi cư trú và cả tiền mặt, giấy tờ, thủ tục pháp lý, trong khi bảo đảm tuân thủ tuyệt đối luật pháp quốc tế, luật của EU và CH Séc.
Tính đến chiều 6/3, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận đã đón hơn 2.500 người Việt được sơ tán khỏi vùng chiến sự ở Ukraine, trong đó: hơn 1.700 người tại Ba Lan; 290 người tại Hungary; khoảng 600 người tại Romania; hơn 40 người tại Slovakia. Các cơ quan đại diện Việt Nam đã hỗ trợ các thủ tục và giấy tờ cần thiết cho bà con nhập cảnh, quá cảnh và phối hợp nhà chức trách địa phương, hội đoàn người Việt ở nước sở tại đón, thu xếp phương tiện đi lại, chỗ ăn, ở tạm thời và cung cấp vật dụng thiết yếu cho bà con.
Bộ Ngoại giao đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các hãng hàng không chuẩn bị cho 2 chuyến bay đưa người Việt và thành viên gia đình về nước ngày 7/3 từ Romania và 9/3 từ Ba Lan. Các cơ quan đại diện tại Ba Lan và Romani tiếp tục nhận danh sách đăng ký công dân có nguyện vọng về nước cho các chuyến bay tiếp theo.
Theo Thu Loan
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.92195309070302202-eniarku-ior-teiv-iougn-ort-oh-cus-cod/nv.zibefac