Một công dân mới đây gửi câu hỏi tới Bộ Công an, về việc gần nhà có một phụ nữ thường xuyên bị một người ở địa phương khác đến rủ đi lao động nước ngoài. Qua nhiều lần tiếp xúc và nghe hai bên nói chuyện, công dân này nghi ngờ nữ hàng xóm đang bị dụ dỗ đi lao động nước ngoài để bán.
Công dân đặt vấn đề: Trường hợp nghi ngờ như trên thì có được báo công an để ngăn chặn không? Nếu nghi ngờ mà không báo công an thì có bị coi là hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm?
Ảnh minh họa
Trả lời câu hỏi này, Bộ Công an cho biết, khoản 1 Điều 150 BLHS năm 2015 quy định về tội mua bán người như sau:
“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.”
Hiện nay, pháp luật Việt Nam luôn khuyến khích động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân được tham gia tích cực vào công tác phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống tội phạm mua bán người nói riêng.
Với việc phát hiện và nghi ngờ hàng xóm đang bị dụ dỗ đi lao động nước ngoài để bán, công dân hoàn toàn có quyền được đến cơ quan công an hoặc các cơ quan công quyền khác của Nhà nước như Ủy ban nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân,... để trình báo, cung cấp thông tin về những nghi ngờ của mình.
Việc trình báo và cung cấp thông tin sẽ giúp các cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh và làm rõ có hay không có hành vi phạm tội mua bán người hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác để kịp thời xử lý.
Ngoài biện pháp trên, nếu có thể, công dân nên gặp gỡ trực tiếp người hàng xóm nghi là nạn nhân hoặc người thân của họ để nói lên những băn khoăn nghi ngờ của mình, nhằm giúp họ cảnh giác, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đi lao động nước ngoài, không để trở thành nạn nhân của mua bán người.
Đối với câu hỏi nếu không trình báo có bị bị coi là hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm không, Bộ Công an cho hay, Điều 18 BLHS năm 2015 quy định về tội che giấu tội phạm như sau: “Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.”
Tương tự, Điều 19 BLHS năm 2015 quy định tội không tố giác tội phạm như sau: “Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.”
Xét cụ thể trường hợp mà công dân nêu, Bộ Công an cho rằng đây mới chỉ là nghi ngờ về việc một người có hành vi dụ dỗ người phụ nữ hàng xóm đi lao động nước ngoài để bán, bản thân công dân cũng không thể biết chính xác hành vi của người đến rủ chị hàng xóm đi lao động nước ngoài có đúng là để lừa bán hay không.
Do đó, nếu công dân không đi trình báo công an để ngăn chặn thì không bị coi là hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm.
Tuy nhiên, Bộ Công an nhấn mạnh, khi phát hiện hành vi dụ dỗ, tuyển mộ người đi lao động nước ngoài nghi ngờ là để bán, công dân nên đến cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác để trình báo, cung cấp thông tin về những nghi vấn của mình như đã đề cập ở phần trên.