Trong lúc phương Tây dồn lực tấn công pháo đài kinh tế Nga sau khi Moscow động binh với Ukraine, duy nhất chỉ có một điều chắc chắn: Không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Cho đến nay tình trạng bất ổn đáng ngại này vẫn chưa đẩy thị trường toàn cầu vào chuỗi suy giảm kéo dài. Chứng khoán Mỹ lao dốc vào tuần đầu tiên khi Nga nổ súng rồi lấy lại được một số mất mát. Song, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh khi chiến sự tiếp tục leo thang.
Nếu bạn lo ngại rằng hỗn loạn địa chính trị sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khoản đầu tư của mình, dưới đây là vài cách để đánh giá tình huống và phòng vệ trước các khoản lỗ tiềm tàng.
Đừng chạy theo tin nóng
Các bài báo nhanh như tên lửa về giá năng lượng và thực phẩm leo thang hay nguy cơ chiến tranh thế giới hoặc tấn công hạt nhân rất đáng sợ. Nhưng theo CNN, lịch sử thường cho thấy việc lập quyết định tài chính dựa trên phản ứng cảm tính với các sự kiện lớn thường là tiền đề cho thất bại trong lâu dài.
Ông Don Bennyhoff, Giám đốc đầu tư tại Liberty Wealth Advisors, cảnh báo: "Đột ngột thay đổi quyết định đầu tư trong bối cảnh bất ổn như hiện nay thường sẽ khiến bạn hối hận".
Khi nhìn vào các cuộc chiến tranh và khủng hoảng khác trong 100 năm qua, bạn sẽ thấy chứng khoán thường phục hồi nhanh hơn dự đoán của bất cứ ai, và có hiệu suất trung bình tốt lên theo thời gian.
Ví dụ, kể từ khủng hoảng tài chính 2008 cho đến 2021, chỉ số S&P 500 đạt lợi suất trung bình 11%, theo phân tích của First Trust Advisors. Năm tồi tệ nhất trong giai đoạn này là 2008, khi chứng khoán lao dốc 38%. Nhưng trong hầu hết các năm sau, S&P 500 đều ghi nhận tỷ suất sinh lời dương. Và có 4 năm tỷ suất sinh lời nằm trong khoảng 23 đến 30%. Nếu lùi về tận năm 1926, tỷ suất lợi nhuận trung bình của S&P 500 là 10,5%.
Ông Rob Williams, Giám đốc hoạch định tài chính tại Charles Schwab nói: "Giữ vững lập trường có thể rất khó khăn...nhưng có thể là giải pháp lành mạnh nhất cho danh mục của bạn".
Điều đó không có nghĩa là nhà đầu tư nên xem nhẹ mối đe dọa hạt nhân và khả năng cuộc chiến Nga - Ukraine đi chệch với mô hình lịch sử. Nhưng nếu tình hình thực sự leo thang ở cấp độ toàn cầu, "chúng ta càng cần phải quan tâm đến danh mục đầu tư", ông Williams lưu ý.
Thay vì thực hiện thay đổi theo diễn biến mới nhất, đầu tiên bạn cần xem xét lại tình huống tài chính một cách toàn diện.
Đảm bảo nhu cầu tiền mặt ngắn hạn
Khi đối phó với các sự kiện lớn ngoài tầm kiểm soát, bạn càng cần phải đảm bảo mình có tài sản đáng giá để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất. Điều này có nghĩa là bạn cần có đủ một khoản tiền mặt để dành,... trong ngắn hạn, sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp bất ngờ và bất kỳ khoản chi lớn nào sắp tới (ví dụ: đặt cọc mua nhà hoặc thanh toán học phí).
Ngoài ra, ông Williams khuyến nghị mọi người nên đầu tư 2 đến 4 năm vào các tài sản biến động thấp như quỹ trái phiếu ngắn hạn. Hành động này sẽ giúp bạn vượt qua bất kỳ giai đoạn sụt giảm nào của thị trường và giúp cho khoản đầu tư có thời gian để phục hồi.
Đánh giá lại khả năng chịu rủi ro
Bạn thường có khả năng chịu rủi ro tốt hơn khi chỉ số chứng khoán liên tục phá đỉnh. Nhưng bạn cũng phải chịu đựng được nguy cơ biến động vốn sẽ đến khi đầu tư lâu dài.
Vì vậy, hãy xem xét các khoản đầu tư để đảm bảo chúng vẫn phù hợp với khả năng chịu rủi ro của bản thân nếu con đường phía trước trở nên gập ghềnh. Và hãy tìm hiểu xem bạn sẽ cảm thấy thế nào khi bị "mất" tiền". Giám đốc Bennyhoff nói: "Có rất nhiều định nghĩa về rủi ro và lỗ".
Ví dụ, nếu bạn để tiền trong tài khoản tiết kiệm thì lãi suất bạn được trả nhiều khả năng đang không bắt kịp với lạm phát. Do đó, tuy bạn bảo vệ được số tiền gốc nhưng lại mất đi sức mua theo thời gian.
Nhưng có thể sự đánh đổi này là chấp nhận được nếu với bạn, bảo vệ khoản tiền gốc trong một, hai năm quan trọng hơn là rủi ro đánh mất chúng – điều hoàn toàn có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, đối với mục tiêu dài hạn hơn, bạn nên định lượng số tiền mà chính mình có thể chịu rủi ro để có thể gặt hái lợi nhuận tốt hơn trong tương lai và ngăn lạm phát bào mòn tiết kiệm.
Tái cân bằng danh mục
Với tỷ suất lợi nhuận kỷ lục của thị trường chứng khoán trong vài năm qua, giờ có thể là thời điểm thích hợp để bạn tái cân bằng danh mục nếu bạn chưa làm việc này trong một khoảng thời gian.
Bà Mari Adam, chuyên gia hoạch định tài chính tại Mỹ, ví dụ danh mục của bạn có thể đặt tỷ trọng quá lớn cho cổ phiếu tăng trưởng. Để ổn định lợi nhuận về sau, bà đề xuất phân bổ một phần tiền vào các cổ phiếu giá trị trả cổ tức thông qua quỹ tương hỗ.
Đầu tư từ từ
Nếu bạn có một khoản tiền mặt lớn – có lẽ là từ tiền thưởng hay được thừa kế - có thể bạn đang cân nhắc mình nên làm gì.
Do tình trạng bất ổn dâng cao trên toàn cầu, bà Adam khuyến khích bạn nên chia số tiền đó thành các phần nhỏ để đầu tư theo định kỳ - ví dụ là hàng tháng trong vài năm – thay vì rót hết vào một cổ phiếu ngay lập tức.
"Hãy phân bổ các khoản đầu tư của bạn theo thời gian vì tin tức tuần này sẽ khác với tin tuần sau".
Xem xét lại giả định
Trong những tháng trước khi Nga tiến quân vào Ukraine, dự đoán của nhiều người là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay để kiểm soát lạm phát. Nhưng giờ thì chuyện đã khác.
Chủ tịch Jerome Powell nói với các nhà lập pháp tuần trước: "Tác động ngắn hạn lên kinh tế Mỹ của xung đột Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt và mọi sự kiện sắp tới vẫn rất khó lường. Với tình hình hiện nay, chúng tôi cần hành động thận trọng".
Nếu nhà đầu tư liên tục tìm đến trái phiếu Kho bạc Mỹ để đảm bảo an toàn thì điều này có thể đẩy giá trái phiếu lên cao hơn và lợi suất đi xuống. Và điều này đồng nghĩa rằng lãi suất trả cho tài khoản tiết kiệm của họ có thể không tăng nhanh như kỳ vọng ban đầu.
Cố gắng hết sức rồi "buông tay"
Hãy nhớ rằng đưa ra lựa chọn hoàn hảo là điều bất khả thi vì không ai có thông tin hoàn hảo.
Bà Adam khuyên: "Hãy thu thập dữ kiện. Cố gắng đưa ra quyết định tốt nhất dựa trên những dữ kiện đó cộng với mục tiêu cá nhân và khả năng chấp nhận rủi ro. Và sau đó thì hãy từ từ buông tay các khoản đầu tư".
Xem thêm: mth.37843435170302202-no-tab-et-couq-cul-auig-ut-uad-cat-neyugn/nv.zibmanteiv