Ngày 7/3 đánh dấu ba mốc lịch sử của thị trường vàng miếng trong nước. Đầu tiên là giá vàng miếng bán ra tại SJC lên 72,85 triệu đồng, một số hệ thống khác chạm mốc 73,3 triệu đồng một lượng. Thứ hai, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khi quy đổi theo tỷ giá Vietcombank lên đến 15 triệu đồng. Cuối cùng là mức điều chỉnh trong ngày tại các tiệm vàng cao nhất từ trước đến nay, một số nơi tăng gần 4 triệu đồng so với hôm trước. Điều này dẫn đến chênh lệch giữa giá mua và bán có thời điểm hơn 2 triệu đồng một lượng.
Đến cuối giờ chiều nay, giá vàng miếng được niêm yết giá bán ra 73,5 triệu đồng và mua vào 71,7 triệu đồng, lần lượt tăng 4,48 triệu đồng và 3,7 triệu đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước. Chỉ trong một ngày, giá vàng SJC đã tăng hơn 3,4 triệu đồng và 2,8 triệu đồng lần lượt ở chiều bán ra và mua vào.
Trước diễn biến này, ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, nhận định thị trường kim loại quý biến động mạnh về yếu tố bên trong lẫn bên ngoài.
Cụ thể, vàng miếng đang chịu ảnh hưởng lớn của giá thế giới. Một khi giá vàng quốc tế tăng mạnh, điển hình như sáng nay lên 2.003 USD một ounce do xung đột Ukraine - Nga kéo dài và nhiều khả năng có thêm sự tham gia sâu hơn của Mỹ, thì giá trong nước sẽ vọt mạnh. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước giữ chặt nguồn cung khiến lượng vàng miếng trên thị trường không dồi dào cũng khiến giá tiếp tục leo thang.
"Vàng miếng vượt 73 triệu đồng một lượng vừa là dấu mốc lịch sử, vừa là tín hiệu cho thấy giá kim loại quý thời gian tới diễn biến khó lường", ông Hải nói và từ chối dự đoán một mức giá mục tiêu trong ngắn hạn.
Đồng quan điểm về việc giá vàng khó đoán trong bối cảnh hiện tại nhưng chủ một tiệm vàng trên đường Lê Thạch (quận 4, TP HCM) cho rằng, mốc 70 triệu đồng một lượng có thể được giữ ít nhất một tuần. Thậm chí theo ông, mức 90-100 triệu đồng như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư có thể xảy ra nhưng sẽ mất thêm nhiều thời gian và cần một yếu tố không mong đợi là cuộc chiến Ukraine - Nga kéo dài.
Ông này cũng cho rằng, giá vàng đang bị các công ty nắm thị phần lớn "bơm" lên nhanh hơn đà tăng của thế giới. Khi giá thế giới lập đỉnh lịch sử 2.063 USD một ounce vào tháng 8/2020, giá trong nước cũng lập đỉnh 62 triệu đồng. Đến lúc này, giá thế giới còn cách đỉnh một khoảng tương đối lớn (70 USD) nhưng giá trong nước đã vượt đỉnh 10 triệu đồng dù sức mua biến động không đáng kể.
Về việc nên bán hay mua trong bối cảnh giá vàng tăng cao như hiện nay, ông Tô Thanh Hiệp - Tổng giám đốc SBJ cho rằng, đây là câu hỏi khó có lời đáp chuẩn xác. Theo ông, vàng sẽ còn nhịp tăng giá trong những ngày tới khi diễn biến địa chính trị trên thế giới vẫn tiếp tục căng thẳng. Vì thế, người đang nắm giữ vàng có thể tiếp tục bình tĩnh theo dõi thay vì vội chốt lời. Ở chiều mua vào, người dân cũng nên cân nhắc kỹ trước khi thực hiện giao dịch.
"Nếu muốn mua vàng để chờ nhịp tăng tiếp theo rồi bán chốt lời, cần phải đợi đến khi giá vàng tăng mạnh hơn nữa, qua mốc 75 triệu đồng một lượng", ông khuyến nghị.
Bên cạnh đó, lãnh đạo SBJ lưu ý, người dân không nên chỉ tập trung vào vàng miếng. Bởi với nguồn cung giới hạn, nếu thị trường chỉ nhắm vào mỗi loại vàng này sẽ khiến giá bị đẩy lên cao vọt. Trong khi đó, cùng hàm lượng nhưng vàng 9999 hoặc vàng nhẫn lại có giá giao dịch thấp hơn, trong khoảng 56-58 triệu đồng. Người dân có thể cân nhắc mua vào các loại vàng này.
Ông cho biết thêm, trong một tuần trở lại đây, SBJ ghi nhận lượng giao dịch vàng tăng lên so với thường lệ. Người dân chưa có dấu hiệu chốt lời khi lượng giao dịch mua và bán vẫn diễn ra song song, tuy nhiên lượng mua vào đang có xu hướng tăng nhanh hơn.
"Giá vàng miếng tăng cao và biến động mạnh khiến một lượng khách hàng cảm thấy không còn phù hợp với khẩu vị chấp nhận rủi ro của mình, nên tìm đến các loại vàng khác", ông Hiệp giải thích.
Phương Đông - Tất Đạt