Giá vàng thế giới đảo chiều giảm khoảng 15 USD/ounce so với mức giá cao nhất trong phiên đầu tuần và hiện giao dịch phổ biến ở mức 1.985 USD/ounce.
Cùng chiều với giá vàng thế giới, giá vàng nhẫn 24K cũng được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh giảm khoảng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với sáng nay, niêm yết ở mức 55,4 – 56,1 triệu đồng/lượng.
Ngược chiều với giá vàng nữ trang 24K, giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng phi mã lên gần vùng 73 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 14 chiều nay, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận đã điều chỉnh giá vàng lên 70,4 - 72,6 triệu đồng/lượng, tương đương tăng tới 3,1 triệu đồng/lượng chiều mua và 3,3 triệu đồng/lượng chiều bán so với hôm qua. Đây được xem là doanh nghiệp có mức tăng giá mua vào cao nhất trên thị trường trong chiều nay.
Tương tự, mức giá mua vào cũng được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng 2,6 triệu đồng/lượng và tăng 3,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Hiện giá mua và bán vàng miếng SJC tại đây đã lên 70,6 – 72,4 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua – bán cũng được các doanh nghiệp nới rộng lên mức vô cùng cao để tránh rủi ro về mình, hiện ở mức 1,8 – 2,2 triệu đồng/lượng. Đồng thời, chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới tiếp tục xác lập kỷ lục mới khi vênh nhau tới 17,5 triệu đồng/lượng.
Sau khi vượt 2.000 USD/ounce sáng nay, hiện giá vàng thế giới đã quay đầu giảm 15 USD/ounce xuống còn 1.985 USD/ounce, tương đương với 55 triệu đồng/lượng.
Giá dầu thế giới đang tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran vẫn chưa có hồi kết. Cộng thêm với việc khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá dầu trong phiên giao dịch đầu tuần mới tiếp tục xô đổ mọi kỷ lục.
Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đầu giờ chiều ngày 7-3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI giao dịch ở mức 125,62 USD/thùng, tăng gần 10 USD so với phiên trước. Còn giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức kỷ lục mới 129,46 USD/thùng, tăng 11 USD/thùng so với phiên hôm qua.
Theo các nhà phân tích của JP Morgan dự báo, giá dầu có thể tăng lên 185 USD/thùng trong năm nay. Trong khi đó, các nhà phân tích tại Bank of America cho biết nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, nguồn cung trên thế giới có thể bị thiếu hụt khoảng 5 triệu thùng/ngày, thậm chí lớn hơn thì giá dầu có thể tăng gấp đôi từ 100 USD lên 200 USD/thùng.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho biết Iran sẽ mất vài tháng để khôi phục dòng chảy dầu ngay cả khi đạt được thỏa thuận hạt nhân. Điều đó có nghĩa là trong tương lai gần, giá dầu vẫn có nguy cơ leo thang nếu dầu của Nga tiếp tục bị cắt giảm.