Năm 2021 là một quãng thời gian đầy khó khăn và thử thách với thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, những tháng cuối năm đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc trong nhu cầu mua sắm cùng các xu hướng tiêu dùng.
Bà Hoàng Minh Nguyệt, Giám đốc Bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho biết: “Thời gian vừa qua thị trường chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc di dời mặt bằng tại các tầng khối đế TTTM của các tòa chung cư. Bởi vậy, một số dự án buộc phải chuyển đổi công năng thành văn phòng cho thuê hoặc mô hình văn phòng làm việc chia sẻ (co-working space) để giải quyết bài toán mặt bằng trống.
Bên cạnh giải pháp đó, chủ đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng cơ cấu mặt bằng, phân bổ khách thuê và những hoạt động thu hút khách ghé thăm thì mới có thể đảm bảo tỷ lệ lấp đầy và duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả tại dự án”.
Đưa ra nhận định về triển vọng của phân khúc bất động sản bán lẻ trong năm 2022, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết: “Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành bán lẻ đang trong đà phục hồi mạnh mẽ. Chúng tôi kỳ vọng dịch vụ ăn uống sẽ nhanh chóng bùng nổ trở lại, nhất là khi các cơ sở kinh doanh tại chỗ đã hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”.
Chúng ta sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành bán lẻ khi người dân quay trở lại các trung tâm thương mại (TTTM) để mua sắm. Sau một thời gian dài chi tiêu trực tuyến, người tiêu dùng mong muốn quay lại cửa hàng để trải nghiệm sản phẩm trực tiếp.
Bên cạnh đó, họ cũng có nhu cầu giao tiếp xã hội. Bởi vậy, các cơ sở ăn uống sẽ là điểm sáng bởi mọi người muốn tụ tập cà phê với bạn bè, đi ăn với gia đình, hẹn hò tại quán ăn hoặc TTTM. Họ sẽ đi xem phim và tham gia vào các hoạt động giải trí.
Do đó, chúng tôi tin rằng những ngành dịch vụ này sẽ là nhân tố thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của phân khúc bất động sản bản lẻ trong thời gian tới”.
Ông Neil MacGregor nhận thấy rằng xu hướng phát triển bất động sản bán lẻ hiện nay, đặc biệt là với phân khúc TTTM đang tập trung vào gia tăng các dịch vụ giải trí và ăn uống. Trong mô hình TTTM truyền thống, các dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng số các dịch vụ bán lẻ. Tuy nhiên, con số này đang tăng lên tới 50% với mục đích thu hút thêm khách ghé thăm, đồng thời giữ chân họ ở lại mua sắm lâu hơn. Bên cạnh đó, thị hiếu của người tiêu dùng đang dần chuyển qua các hoạt động mua sắm trải nghiệm. Họ không chỉ đến TTTM và mua đồ mà còn muốn thử sản phẩm.
Đưa ra lời khuyên đối với các nhà phát triển bất động sản, ông Neil MacGregor cho rằng, điều quan trọng là phải tạo ra những yếu tố mới và khác biệt trong thị trường để thu hút khách thuê. Đây là điều mà Savills đã và đang làm tại các TTTM để thu hút các thương hiệu quốc tế. Chúng tôi luôn cập nhật và nắm bắt những xu hướng mới của ngành. Ví dụ như đẩy mạnh sự hiện diện của các dịch vụ về ăn uống tại TTTM hoặc tìm kiếm những hình thức giải trí mới để thu hút khách ghé thăm thay vì rạp chiếu phim.
Bên cạnh đó, chương trình marketing cũng là một yếu tố thu hút khách hàng đến TTTM. Để làm được điều này sẽ cần sự đầu tư bài bản vào tổ chức các hoạt động marketing và nâng cao trải nghiệm người ghé thăm. Bởi vậy, nhà phát triển cần dành ngân sách cho hoạt động tiếp thị.
https://cafef.vn/bi-vui-dap-boi-covid-19-luc-day-nao-se-giup-phan-khuc-bat-dong-san-ban-le-phuc-hoi-2022030714400576.chnTheo Phong Linh
Tổ Quốc