Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 5/3, Bộ Y tế cho biết, ngày 17/2 Cục Quản lý Dược đã ký quyết định ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Tổng công suất sản xuất thuốc của 3 đơn vị này có thể đạt 280 triệu viên/tháng tương ứng với 11 triệu liệu trình/tháng. Trong khi đó, theo số liệu tính toán của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, số ca mắc Covid-19 mức độ nhẹ/tháng là 1.116.000 ca/tháng, ước tính 30% số bệnh nhân này phải dùng thuốc kháng virus và nếu dùng toàn bộ Molnupiravir thì nhu cầu là 334.800 liệu trình/tháng.
Như vậy Bộ Y tế nhận định, sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu điều trị và giá thành hiện tại cho 1 liệu trình điều trị khoảng 300.000 đồng (hiện rẻ nhất so với các nước khác trên thế giới).
Ngày 1/3, Bộ Y tế đã ban hành công văn về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc.
Bộ cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị Covid-19 bất hợp lý.
Cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định.
Bộ Y tế cấp phép thuốc điều trị Covid-19 chứa hoạt chất Molnupiravir (Ảnh: Minh Nhân)
Cơ chế cung ứng thuốc kháng virus
Đối với việc người dân tự chi trả:
Theo Bộ Y tế, các thuốc kháng virus không thuộc "Danh mục thuốc không kê đơn", do đó thuốc phải thực hiện kê đơn. Ngoài ra, Molnupiravir là thuốc mới, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành.
Hiện nay, thuốc đã được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành có điều kiện trong 3 năm và phải kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn và hiệu quả sau khi cấp phép.
Molnupiravir khi được cấp phép lưu hành là thuốc phải kê đơn, người dân chỉ được sử dụng khi có đơn thuốc của bác sĩ, y sĩ. Việc người dân tự ý sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ do các tác dụng không mong muốn của thuốc cũng như có thể tạo ra những chủng virus mới.
Tại Anh, Mỹ, Nhật và một số nước phê duyệt thuốc Molnupiravir sử dụng khẩn cấp, thuốc này chỉ có thể được kê bởi bác sĩ, y tá đã đăng ký thực hành nâng cao, trợ lý bác sĩ đã được cấp bằng và cấp phép kê đơn theo luật.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng tăng cao, chủ yếu là các ca bệnh mức độ nhẹ, trung bình, được điều trị và cách ly tại nhà. Bộ Y tế đánh giá việc mua thuốc kháng virus điều trị Covid-19 phải có đơn thuốc do bác sĩ, y sĩ kê đơn dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống và cán bộ y tế.
Đồng thời bệnh nhân không sớm được tiếp cận với thuốc trong khi thuốc kháng virus điều trị Covid-19 được chỉ định cho các ca bệnh mức độ nhẹ, trung bình được khuyến cáo sử dụng sớm trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng hoặc có kết quả dương tính.
Đối với việc cấp phát thuốc điều trị miễn phí:
Người bệnh được khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú tại các cơ sở y tế được chỉ định điều trị Covid-19 sẽ được cấp phát thuốc kháng virus miễn phí. Những bệnh nhân này phải có chỉ định sử dụng thuốc, bao gồm cả việc khám bệnh từ xa; người bệnh đặc thù không thể tiếp cận các cơ sở y tế (người già, người cô đơn, tàn tật, không nơi nương tựa, người có công với cách mạng…).
Về cách thức cấp phát, thuốc được kê đơn, cấp phát và hướng dẫn sử dụng bởi các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm thu dung, quản lý, điều trị Covid-19 bao gồm từ các trạm y tế xã, phường và trạm y tế lưu động trở lên.
Người dân đi mua thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir chiều 24/2 (Ảnh: Đinh Huy)
Đề xuất cho phép nhà thuốc được kê đơn thuốc Molnupiravir
Để đảm bảo việc người bệnh dễ dàng tiếp cận với các thuốc kháng virus điều trị Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng cao những ngày gần đây, đồng thời đảm bảo kiểm soát chặt chẽ theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Y tế đã đề xuất một số nội dung sau.
Đối với việc cấp phát thuốc điều trị miễn phí: Giao các địa phương, cơ sở y tế thực hiện mua sắm thuốc điều trị Covid-19 (trong đó có thuốc Molnupiravir đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam) theo quy định để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị của đơn vị.
Đối với việc người dân tự chi trả:
- Đối tượng áp dụng: Tất cả bệnh nhân Covid-19 có nguyện vọng tự chi trả.
- Cơ sở được bán lẻ thuốc: nhà thuốc, quầy thuốc.
- Thẩm quyền kê đơn thuốc: Người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được phép kê đơn cho bệnh nhân hoặc người mua thuốc kháng virus Covid-19.
- Quy định kê đơn cho người bệnh mắc Covid-19:
+ Xác nhận từ cơ sở y tế (bao gồm cơ sở xét nghiệm, cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế) có dương tính với SARS-CoV-2 (kể cả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh).
+ Người bệnh tự quay clip quá trình thực hiện test kháng thể tại nhà gửi cho người phụ trách chuyên nhà thuốc, quầy thuốc để chứng minh kết quả test dương tính.
+ Người phụ trách chuyên môn về dược tại cơ sở bán lẻ thuốc căn cứ vào kết quả xét nghiệm, xác định được ít nhất 1 nguy cơ chuyển nặng của bệnh nhân. Người mua thuốc hoặc/và bệnh nhân phải ký một bản cam kết, trong đó có các thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test, việc sử dụng thuốc theo mẫu (kèm theo), kèm 1 bản sao chứng minh thư/căn cước công dân của người bệnh.
- Các cơ sở bán lẻ là nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện việc bán thuốc, tổng hợp, báo cáo kết quả kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 theo ngày trước 17h và gửi về cơ quan quản lý y tế địa phương (Trạm Y tế cấp xã/phường hoặc Trạm Y tế cấp quận/huyện).
- Hướng dẫn sử dụng: Bộ Y tế xây dựng tờ Hướng dẫn sử dụng để người bán thuốc hướng dẫn người mua, trong đó có các thông tin: đối tượng sử dụng, liều dùng, cách dùng, theo dõi sau khi dùng, cách xử trí khi gặp các phản ứng bất thường (không hiệu quả, tác dụng phụ,…) cần báo cho cơ sở y tế.
Theo Bộ Y tế, các thuốc kháng virus điều trị Covid-19 là thuốc mới, cần phải có sự giám sát an toàn hiệu quả khi đưa ra sử dụng rộng rãi, quan trọng nhất là việc chỉ định sử dụng thuốc cho đối tượng nào, liều dùng cần có ý kiến của bác sĩ, y sĩ thông qua việc thăm khám theo quy định.
https://kenh14.vn/de-xuat-cho-phep-nha-thuoc-duoc-ke-don-thuoc-dieu-tri-covid-19-molnupiravir-20220307164645473.chnTheo Minh Nhân
Doanh nghiệp & Tiếp thị