Việt Nam là "con cưng" của ASEAN trong những năm gần đây. Nhờ các nền tảng thuận lợi như dân số trẻ và chi phí lao động cạnh tranh cùng các chính sách phục hồi hậu COVID-19, cũng như mở cửa trở lại du lịch, Việt Nam càng là thỏi nam châm thu hút đầu tư.
Nam châm thu hút đầu tư
Tờ Business Times nhận định, thời gian gần đây, "các biện pháp ngăn chặn quyết định và hỗ trợ có mục tiêu của chính phủ Việt Nam" như đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế xác định trong báo cáo trọng tâm quốc gia trong những năm đầu đại dịch đã giúp Việt Nam hạn chế suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19.
Trước đại dịch, GDP của Việt Nam tăng 7,02%. Năm 2020, con số này giảm xuống còn 2,91%; dù giảm đáng kể nhưng vẫn là một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Năm 2021, GDP tiếp tục giảm xuống còn 2,58% do hạn chế kéo dài và chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh. Năm 2022, Chính phủ Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP từ 6-6,5%.
Theo Khảo sát Kinh doanh Quốc gia của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 10 năm ngoái, các doanh nghiệp Singapore vẫn quan tâm đến Việt Nam. Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia mà các doanh nghiệp Singapore muốn đầu tư nhất. Trong số 440 công ty có kế hoạch mở rộng trong tương lai, 31% cho biết họ muốn đến Việt Nam.
Trên thực tế, Singapore là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong 2 năm gần đây. Năm 2021, Singapore đã rót 10,7 tỉ USD - chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Con số này tăng 19% so với con số năm 2020 khi đảo quốc sư tử rót 8,99 tỉ USD - theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Đáng chú ý, không có sự sụt giảm nào về tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện. Năm 2018, vốn FDI thực hiện là 19 tỉ USD. Từ năm 2019 đến năm 2021, vốn FDI thực hiện là 20 tỉ USD mỗi năm.
Harry Loh - Giám đốc điều hành của ngân hàng UOB Việt Nam - cho biết: “Chúng ta có thể coi đây là nguồn vốn FDI còn lại đã được cam kết trước COVID-19. Nhưng điều đáng khích lệ là bất chấp COVID-19, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục rót tiền vào Việt Nam".
Trong khi đó, vốn FDI đăng ký bị ảnh hưởng. Năm 2020, vốn FDI đăng ký giảm xuống còn 29 tỉ USD trước khi tăng lên 31 tỉ USD vào năm 2021.
Harry Loh lưu ý, mức giảm là "có thể hiểu được vì hạn chế đi lại", nhưng điều đáng nói là con số này đã tăng trở lại lên 31 tỉ USD vào năm sau. "Từ mức tăng nhẹ này, chúng tôi có thể suy ra rằng vẫn có sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tự tin hơn trong thời gian tới vì rất nhiều doanh nhân cho rằng COVID-19 là cuộc thử lửa đầu tiên - ai có thể tồn tại được thì càng mạnh và các mối quan hệ đối tác càng đáng để khám phá hơn nữa".
Hồi phục hậu COVID-19
Ngày 25.2, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự hội nghị bàn tròn với khoảng 100 quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp Singapore và Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Singapore. Trong cuộc đối thoại, các đại biểu đã thảo luận về những cơ hội hợp tác mới và đang phát triển giữa các công ty Singapore và Việt Nam, bao gồm số hóa, cơ sở hạ tầng và tính bền vững. Nhiều doanh nghiệp Singapore như SBF và UOB đều được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam ghi nhận về nỗ lực thúc đẩy FDI vào Việt Nam. Kể từ tháng 11.2019, SBF đã hỗ trợ 20 dự án tại Việt Nam; gần 200 công ty Singapore được hưởng lợi từ sự hỗ trợ này.
Trong khi đó, UOB, kể từ khi ký Bản ghi nhớ mở rộng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam vào tháng 11.2020, đã giúp hơn 60 công ty đầu tư vào Việt Nam với cam kết trị giá 1,18 tỉ USD. UOB cũng có kế hoạch tạo điều kiện cho các khoản đầu tư tiềm năng trị giá 2,2 tỉ USD vào các lĩnh vực như sản xuất, công nghệ và hàng tiêu dùng trong 2 đến 3 năm tới.
Trong khi đó, Việt Nam đang tích cực tìm cách phục hồi ngành du lịch với kế hoạch mở cửa hoàn toàn trở lại đất nước cho du khách nước ngoài. Harry Loh cho biết, việc dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế đi lại từ ngày 15.3 sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực.
Theo dữ liệu từ Statista, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế cao nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2019. Theo tờ The Diplomat, trong hai thập kỷ qua, ngành du lịch của Việt Nam đã phát triển nhảy vọt, phù hợp với nền kinh tế năng động. Trước đại dịch, ngành du lịch đạt doanh thu khoảng 32 tỉ USD mỗi năm, chiếm hơn 10% GDP. Do vậy, việc khôi phục lĩnh vực du lịch trở thành một vấn đề quan trọng trong kế hoạch rộng lớn hơn của chính phủ để phục hồi nền kinh tế.
Xem thêm: odl.3811201-ut-uad-tuh-uht-mahc-man-ioht-al-cut-peit-man-teiv-hcil-ud-auc-om/et-hnik/nv.gnodoal