Mức giảm trừ gia cảnh bị cào bằng?
Hướng dẫn góp ý, Bộ Tài chính đề nghị đánh giá theo từng nhóm vấn đề: đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh… Trước đó, năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế đã được nâng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng và mức giảm trừ người phụ thuộc được nâng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng.
Hiện biểu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được chia làm bảy bậc: thu nhập bậc 1 (5 triệu đồng/tháng) thuế suất 5%, bậc 2 (5-10 triệu đồng/tháng) 10%, bậc 3 (10-18 triệu đồng/tháng) 15%, bậc 4 (từ 18-32 triệu đồng/tháng) 20%, bậc 5 (từ 32-52 triệu đồng/tháng) 25%, bậc 6 (từ 52-80 triệu đồng/tháng) 30% và bậc 7 (trên 80 triệu đồng/tháng) 35%.
Theo các chuyên gia, mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế là hai vấn đề lớn cần phải sửa đổi vì đã lạc hậu, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động rất lớn đến đời sống người dân, gây ra tình trạng thất nghiệp, mất việc, giảm thu nhập, giá cả leo thang…
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng thuế TNCN, Cục Thuế TP.HCM - đối với mức giảm trừ gia cảnh, ngành thuế cần phải xác định rõ mức thu nhập bao nhiêu và sống trong điều kiện nào thì chịu thuế. Với quy định mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc hiện nay, nếu không có người phụ thuộc, người lãnh lương trên 11 triệu đồng/tháng phải nộp thuế, nếu có một người phụ thuộc thì lương trên 15,4 triệu đồng/tháng phải nộp thuế. Trong khi đó, chi phí cho cuộc sống trung bình của một người dân là khoảng 15 triệu đồng/tháng, một người phụ thuộc trong gia đình cần thêm khoảng 5-7 triệu đồng/tháng.
Như vậy, theo ông, hầu hết người làm công ăn lương đều phải nộp thuế TNCN do chi phí sinh hoạt hiện tại đã vượt xa mức 11 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, quy định trên còn mang tính cào bằng bởi chi phí sinh hoạt của một người ở thành phố lớn luôn cao hơn ở vùng nông thôn. Do đó, nên nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 20 triệu đồng/người/tháng và người phụ thuộc có mức chi tiêu để giảm trừ gia cảnh bằng 40-50% số lương của người nộp thuế.
Quy định người có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp khi chi phí sinh hoạt, đặc biệt ở các đô thị lớn, những năm gần đây đã tăng lên rất nhiều - ẢNH: THANH HOA |
Về biểu thuế, trong năm 2017, Bộ Tài chính đưa ra tờ trình dự thảo sửa đổi, bổ sung các luật thuế. Về thuế TNCN, cơ quan này kiến nghị giảm số bậc còn 5 bậc. Chuyên gia Nguyễn Thái Sơn cho rằng, việc điều chỉnh còn 5 bậc như đề xuất trên là hợp lý. Tuy nhiên, không hiểu sao, đề xuất này không được áp dụng. “Đáng lẽ, bậc thuế nên được điều chỉnh còn 5 bậc từ năm 2017. Bộ Tài chính nên xem xét đề xuất này khi soạn dự thảo sửa đổi luật” - ông Nguyễn Thái Sơn đề xuất.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, hội viên Hội Tư vấn và Đại lý thuế TPHCM - đề nghị, mức giảm trừ gia cảnh nên cao gấp 4-5 lần tiền lương tối thiểu vùng. Về biểu thuế, ông đề xuất, mức thuế 35% chỉ nên áp dụng với người có thu nhập từ 200 triệu đồng/tháng trở lên thay vì trên 80 triệu đồng/tháng như hiện nay. Với mức thu thuế cũ, ngành thuế chỉ đang “nắm người có tóc” là người làm công ăn lương, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng đối với cá nhân kinh doanh cũng được cho là quá thấp. Thạc sĩ Trần Minh Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Học viện Doanh nhân Tax Law, giảng viên Khoa Thương mại, Trường đại học Luật TPHCM - cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là 132 triệu đồng/năm, trong khi ngưỡng chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh chỉ là 100 triệu đồng/năm là không hợp lý. Ngưỡng chịu thuế TNCN từ kinh doanh ít nhất phải tương ứng với ngưỡng giảm trừ gia cảnh trong một năm dương lịch đối với chính người có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Đồng thời, cần xác định khoản thu nhập dưới ngưỡng chịu thuế thì không chịu thuế TNCN từ kinh doanh.
Nên khấu trừ chi tiêu cá nhân
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi cá nhân có chi phí sinh hoạt lại không được khấu trừ, đó là điều bất hợp lý.
Ông Nguyễn Thái Sơn dẫn chứng, thu nhập của một chuyên gia, bác sĩ có thể trên 11 triệu đồng/tháng nhưng một người buôn bán nhỏ, một thợ sửa xe cũng có thể có mức thu nhập tương tự. Trong khi đó, chuyên gia, bác sĩ phải tốn khá nhiều chi phí để mua tài liệu, học hành, tập huấn… để nâng cao kiến thức, chuyên môn. Tất cả những chi phí này đều lấy từ tiền lương hằng tháng thì tại sao lại không được khấu trừ vào thuế TNCN? Ở Singapore và nhiều nước khác, những chi phí cho y tế, giáo dục đều được khấu trừ nếu có hóa đơn. Người tiêu dùng chi tiêu càng nhiều thì tổng số thuế nộp phải càng ít vì số tiền này được đưa ra ngoài xã hội lưu thông, kích thích nền kinh tế phát triển.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, tất cả những khoản chi phí phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày như tiền học cho con, khám bệnh, tiền lãi vay mua nhà, các khoản chi phí mà có hóa đơn, chứng từ hợp lý thì nên khấu trừ vào thuế TNCN giống như đang áp dụng với thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hiện tại, cơ quan thuế đang khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh, điểm cung cấp dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử. “Nếu như ngành thuế khấu trừ thuế TNCN với những chi tiêu có hóa đơn điện tử vừa khuyến khích người dân lấy hóa đơn, thanh toán không dùng tiền mặt, các điểm bán hàng (nhất là hộ bán lẻ) cũng không có cơ hội trốn thuế. Đây chính là giải pháp thu thuế bền vững nhất, công bằng nhất, hợp lý nhất, có thể hoàn thành song song nhiều mục tiêu đề ra” - ông Nguyễn Thái Sơn đề nghị.
Thạc sĩ Trần Minh Hiệp đề nghị, nên bổ sung việc giảm trừ đối với các khoản đóng góp ủng hộ việc phòng, chống dịch bệnh, thiên tai cho cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương. Thực tế, các hoạt động tài trợ này diễn ra rất thường xuyên, có chứng từ hợp pháp và hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, điều 19 Luật Thuế TNCN thì chỉ có các “khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa; khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học” mới được giảm trừ khi tính thuế.
Thu thuế dựa vào thu nhập của người bán bất động sản Thời gian qua, xảy ra tình trạng bên bán và bên mua bất động sản khai giá trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế để né đóng thuế TNCN khi chuyển nhượng bất động sản. Thạc sĩ Trần Minh Hiệp kiến nghị giảm thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản từ 2% trên giá trị chuyển nhượng xuống còn 1% để khuyến khích người dân khai báo trung thực. Còn theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, thay vì thu thuế 2% trên giá trị chuyển nhượng thì nên chuyển về thu 25% trên thu nhập của người chuyển nhượng để được công bằng vì khi thu thuế, cần tính đến những chi phí mà người chuyển nhượng phải chịu như lãi vay ngân hàng, tiền môi giới… Như vậy, người dân sẽ không còn né thuế. Thạc sĩ Trần Minh Hiệp cũng kiến nghị bổ sung quy định miễn thuế TNCN với phần thu nhập từ tặng cho, thừa kế đối với “chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng” nếu quan hệ giữa người tặng, cho, người để lại di sản thừa kế với người được tặng, cho, hưởng di sản thừa kế có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng như trường hợp miễn thuế đối với thu nhập từ tặng, cho, thừa kế bất động sản tại khoản 4, điều 4 Luật Thuế TNCN. |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.8468541a-poh-uhp-noc-gnohk-nahn-ac-pahn-uht-euht/nv.moc.enilnounuhp.www