Nhiều đề xuất mới về quy định làm việc đối với người F0, F1 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trên đà hồi phục đó, thiếu thốn lao động vì xu hướng chung đã đành, doanh nghiệp lại vướng thêm quy định cách ly F1 khiến cho nhà xưởng thiếu thợ thầy, doanh nghiệp kêu trời.
Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế đã có ngay đề xuất gỡ vướng cho doanh nghiệp, cho phép F1 và cả F0 được đi làm. Tin vui đó khiến nhiều chủ doanh nghiệp... thở phào!
Mấy ngày trước, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM Nguyễn Văn Bé kể rằng các doanh nghiệp rất bức xúc vì quy định cách ly F1 từ 5 - 7 ngày. Với đặc thù cư ngụ chốn "đất chật người đông", nhiều công nhân phải ở ghép 5 - 7 người một phòng, nếu một người F0 là coi như cả phòng đó phải nghỉ làm, buộc phải cách ly. Với 350.000 công nhân riêng trong các khu công nghiệp ở TP này, ông Bé cho hay con số phải cách ly rất khủng khiếp nếu doanh nghiệp áp dụng "rập khuôn" quy định của Bộ Y tế.
"Nếu theo quy định như vậy thì còn người đâu mà làm?" là câu hỏi chung của giám đốc các doanh nghiệp khi đây là thời điểm doanh nghiệp phải nỗ lực lấy lại những gì đã mất.
Báo chí vào cuộc phản biện, các doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị, các hiệp hội doanh nghiệp gửi kiến nghị đến Bộ Y tế đề nghị gỡ vướng, thậm chí đề xuất cách để F1 đi làm sao cho an toàn. Không để doanh nghiệp "dài cổ" đợi chờ, Bộ Y tế đã có động thái phản hồi sớm với đề xuất cho F1 được đi làm trở lại, thậm chí F0 không triệu chứng cũng được làm việc trực tuyến nếu tự nguyện.
Đây là đề xuất được doanh nghiệp đánh giá là phản ứng nhanh, hợp lý hợp tình và quan trọng là sát với thực tế. Đề xuất này có cái hay ở chỗ doanh nghiệp sẽ linh hoạt áp dụng, nhà xưởng nào thiếu thợ thầy sẽ để F1 làm việc bình thường, nhà xưởng nào dôi dư công nhân sẽ cho phép những người cảm thấy bản thân có nguy cơ cao mắc bệnh được ở nhà tự theo dõi. Doanh nghiệp có lý lẽ để nói đề xuất này "thực tiễn" khi vừa phù hợp với quan điểm chống dịch hiện nay, vừa sát sườn thực tế sản xuất ở các nhà máy.
Trước đó, đã có không ít văn bản, quy định chống dịch của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đưa ra những tiêu chí "trên trời". Thực tế sản xuất muôn hình vạn trạng, quy mô doanh nghiệp đa dạng, đặc thù mỗi nơi mỗi khác nên không tham vấn doanh nghiệp, không sâu sát sẽ khó đưa ra một quy định hợp lý, không nhận được sự đồng thuận, thậm chí vấp phải làn sóng phản ứng gay gắt.
Năm ngoái, khi dư luận sục sôi với giá của các bộ xét nghiệm, doanh nhân "tố" giá quá cao gây tốn kém, cơ quan chức năng vào cuộc, khui ra nhiều vụ tiêu cực, giúp cho thị trường của sản phẩm này đã bớt đội giá. Hay như thuốc trị COVID-19 khi chưa thương mại hóa, giá "chợ đen" lên đến cả chục triệu đồng, dư luận, doanh nghiệp phản ứng, cơ quan quản lý lắng nghe, cho phép nhà thuốc bán với giá chỉ đôi ba trăm ngàn đồng.
Rõ ràng hệ lụy dịch bệnh là chưa có tiền lệ, nhưng tham vấn ý kiến cộng đồng, doanh nghiệp để đưa ra những quyết sách phù hợp là điều nên làm. Dù bất kỳ tình huống nào, sự lắng nghe, cầu thị vẫn luôn là tiền đề quan trọng để tạo nên sự chấp thuận, chia sẻ trong các chính sách bởi "khó vạn lần dân liệu cũng xong".
TTO - Quán cà phê có 6 nhân viên thì cả 6 người là F0. Từ ngày nhân viên nghỉ, chủ quán phải đứng quầy, phục vụ khách, dọn dẹp tiệm từ sáng tới tối muộn, có lúc quá tải thì buộc phải tạm đóng cửa một vài ngày.
Xem thêm: mth.25504637080302202-hnit-poh-yl-poh-taux-ed-tom/nv.ertiout