Chuyên gia cho rằng số người mắc COVID-19 thực tế ở Hà Nội có thể lớn hơn nhiều so với 30.000 ca/ngày được công bố - Ảnh: PHẠM TUẤN
Theo bản tin dịch COVID-19 hằng ngày của Bộ Y tế, số ca mắc mới những ngày đầu tháng 3 gấp nhiều lần so với đầu tháng 2 và tăng liên tục chưa nhìn thấy điểm dừng.
Cụ thể, ngày 7-3 là 147.358 ca; 6-3 là 142.136 ca; 5-3 là 131.817 ca; 4-3 là 125.587 ca. Trước đó, ngày 28-2 số ca mắc mới là 94.385 ca. Chỉ trong 1 tuần, số mắc mới đã tăng hơn 50%.
Đáng chú ý, sự gia tăng này là liên tục, không có ngày nào giảm trong chuỗi tăng. Số tỉnh thành có số mắc cao cũng tăng nhanh, giai đoạn gần cuối tháng 2 có 25 tỉnh thành có trên 1.000 ca mắc, nhưng nay tính nhóm trên 2.000 ca đã lên tới 28 tỉnh thành, 2 tỉnh thành trong số này có trên 10.000 đến trên 30.000 ca/ngày.
Hà Nội: Thực tế có thể 100.000 ca/ngày, khi nào là đỉnh dịch?
Tối 7-3, Sở Y tế Hà Nội cho biết số mắc mới trong ngày của Hà Nội đã lên mức mới: 32.317 ca COVID-19 - đây là số ca bệnh được ghi nhận nhiều nhất tại Hà Nội và cao nhất tại 1 địa phương trong cả nước từ khi dịch xuất hiện.
Tại cuộc họp bàn về chống dịch của UBND TP Hà Nội ngày 27-2, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết theo các chuyên gia, hai tuần tới số ca mắc ở Hà Nội có thể đạt đỉnh.
Vậy Hà Nội dựa vào những số liệu nào để khẳng định dịch ở Hà Nội sẽ đạt đỉnh trong 2 tuần tới?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 7-3, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - dự đoán với tốc độ lây nhiễm COVID-19 quá nhanh tại Hà Nội thời gian gần đây, có thể biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế. Số liệu khảo sát của Hà Nội cũng chứng minh điều này, khi 20/30 quận huyện đã ghi nhận ca mắc Omicron.
"Hiện Hà Nội một ngày lên tới trên 30.000 ca nhiễm theo số liệu công bố, tuy nhiên thực tế có thể lên tới 100.000 ca nhiễm trong vòng 24 giờ. Số liệu công bố theo tôi là một tảng băng nổi, còn phần chìm dưới nước còn lớn hơn nhiều.
Với tốc độ lây nhiễm như hiện tại đồng nghĩa với số lượng, tỉ lệ người dân là F0 sẽ tăng lên, dần dẫn sẽ đạt đỉnh. Tôi dự đoán hơn 10 ngày nữa, Hà Nội sẽ đạt đỉnh dịch và sau đó số ca nhiễm sẽ giảm dần", ông Nga nói.
Ông Nga cho biết thêm, để xác định được đỉnh dịch phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó phải xác định được số ca nhiễm trong ngày, số ca nhập viện và số người tử vong.
Qua các yếu tố trên, có thể đánh giá, phân tích, tính toán được thời điểm dịch sẽ đạt đỉnh, sau đó dịch sẽ đi ngang và sẽ giảm dần.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết nhiều lúc dự báo cũng chỉ mang tính tương đối, nếu dịch bệnh có những diễn biến mới, ví dụ như xuất hiện biến chủng mới, thì việc dự đoán đỉnh dịch có thể có sai số.
"Việc xác định đỉnh dịch cũng phụ thuộc vào việc xét nghiệm, để tính toán được chính xác số ca nhiễm trong một ngày. Bây giờ xét nghiệm nhiều ra nhiều, xét nghiệm ít ra ít, nên nhiều lúc số ca mắc công bố không phải là số ca nhiễm thực tế", ông Phu nói.
Ông Phu dự đoán dịch COVID-19 tại Hà Nội trong thời gian tới sẽ còn phức tạp và tăng nhanh, tuy nhiên trong khoảng 2 tuần tới, dịch bệnh có thể sẽ đạt đỉnh khi số người đã nhiễm bệnh chiếm đa số.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 7-3, TS Lã Thị Lan - phó giám đốc CDC Hà Nội - cho biết để xác định đỉnh dịch tại một địa phương, phải cần nhiều dữ liệu đầu vào để phân tích, đánh giá.
"Tối thiểu nhất là phải xác định được tổng dân số, số mới nhiễm, số người hiện nhiễm, lũy tích…", bà Lan nói.
Bà Lan nêu lên thực tế, hiện nay dịch bệnh tại Hà Nội diễn biến phức tạp, nhiều người dân bị F0 không khai báo nên không thể thống kê đầy đủ, chính xác số ca COVID-19 tại thủ đô trong ngày.
Trước thực tế trên, vị lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, rất khó để xác định được đỉnh dịch tại Hà Nội bởi dữ liệu đầu vào không chính xác.
"Dữ liệu đầu vào càng nhiều thì việc phân tích sẽ càng chính xác, hiện nay những dữ liệu đầu vào tôi nêu trên không thể xác định được, thì việc xác định được đỉnh dịch thời gian tới sẽ rất khó", TS Lan nói thêm.
Bà cho biết, thực tế tỉ lệ người mắc COVID-19 ở Hà Nội đã tương đối lớn, vì vậy trong khoảng từ 2 - 3 tuần tới, dịch COVID-19 ở Hà Nội có thể sẽ đạt đỉnh.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Từ bài học các nước, có thể đỉnh dịch sẽ đến trong 2 tuần tới?
Dẫn kinh nghiệm tại Anh thời điểm cuối tháng 12-2021, chuyên gia của Bộ Y tế cho biết ông có hy vọng khi số ca mắc tăng nhanh như hiện nay thì đỉnh dịch sẽ đến trong vòng 2 tuần.
"Tại Anh thời điểm cuối tháng 12, chủng Omicron lan tràn và số mắc cũng tăng cao kỷ lục, nhưng dịch đến nhanh và đạt đỉnh dịch nhanh trong vòng 2 tuần, sau đó đi xuống" - chuyên gia này cho biết.
Chuyên gia này cũng cho rằng với số mắc tăng như hiện nay, cộng với việc phủ vắc xin, số người có miễn dịch sẽ chiếm tỉ lệ cao hơn số chưa nhiễm và khi đó số mắc sẽ giảm xuống.
"Tuy nhiên nếu lại xuất hiện chủng virus mới thì các dự đoán sẽ khó thành, như chủng Omicron có biến thể BA.1, BA.2, BA.3, người mắc BA.1 vẫn có khả năng mắc lại BA.2, nhất là ở người trẻ tuổi và chưa tiêm vắc xin. Hiện tỉ lệ mắc BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện mắc COVID-19 chủng Omicron" - chuyên gia của Bộ Y tế cho biết.
Hơn nữa, trước đây khi Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Alpha trước đó, cũng đã có dự báo đỉnh dịch nhưng rồi Omicron xuất hiện, tốc độ lây lan lại nhanh hơn Delta.
Vị này cũng cho rằng chủng virus đang lây lan hiện nay có dấu hiệu "xuyên vắc xin", khi rất nhiều người mắc đã tiêm 3 mũi.
Tuy nhiên vắc xin vẫn có hiệu quả tốt trong giảm chuyển nặng và tử vong. Những ngày gần đây số mắc tăng nhanh và tăng cao gấp nhiều lần so với đầu tháng 2, nhưng số chuyển nặng chỉ tăng khoảng 20% và số tử vong không tăng và 3 ngày nay đã giảm so với trung bình của tuần.
Vì thế, dự đoán đỉnh dịch của đợt dịch này sẽ là 2 tuần nữa là có cơ sở, nếu như trong thời gian ngắn tới đây chưa có sự xuất hiện của chủng virus mới. Hiện nay Omicron đang chiếm ưu thế tại nhiều tỉnh thành với tốc độ lây lan nhanh, nhiều chuyên gia dự báo rất có khả năng 2 tuần tới số mắc (của đợt này) sẽ đạt đỉnh và sau đó sẽ giảm.
TTO - Số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục gia tăng, lên mốc trên 142.100 ca, trong đó Hà Nội gần 30.000 ca, TP.HCM xấp xỉ 3.000 ca.
Xem thêm: mth.78503205170302202-hcid-hnid-al-iom-oan-ihk-gnat-cut-neil-iom-cam-ac-ion-ah/nv.ertiout