Luật pháp Nga vốn đã cho chính phủ quyền sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ mà “không cần sự đồng ý của bên giữ bằng sáng chế” trong “trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia”. Theo một bài viết đăng trên báo Kommersant và được luật sư chuyên về luật công nghệ Kyle E. Mitchell dịch, Chính phủ Nga có thể sẽ sớm sử dụng quyền này.
Theo Kommersant, kế hoạch mới sẽ tạo ra “cơ chế đăng ký bắt buộc đối với phần mềm, cơ sở dữ liệu và công nghệ cho vi mạch tích hợp”. Kế hoạch này chỉ áp dụng đối với những công ty tuân thủ lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy Kommersant không đưa ra cái tên cụ thể nào, nhiều công ty công nghệ lớn của phương Tây và cũng là mục tiêu tiềm tàng đã thu hẹp đáng kể hoạt động kinh doanh tại Nga. Đến thời điểm hiện tại, Microsoft đã dừng bán sản phẩm và dịch vụ tại Nga, Apple dừng bán sản phẩm, trong khi Samsung đã dừng bán cả thiết bị điện tử và chip tại Nga.
Sử dụng phần mềm lậu không phải là vấn đề mới mẻ tại Nga. Một khảo sát năm 2019 của công ty bảo mật Slovakia ESET cho thấy 91% người Nga muốn sử dụng phần mềm lậu hơn và gần 20% đã cài đặt phần mềm lậu. Lý do phổ biến nhất - được 75% người trả lời đưa ra - là do phiên bản chính thức có chi phí quá cao. Việc sử dụng phần mềm lậu có vẻ như cũng được “thể chế hóa” trong quá khứ; theo Kyle E. Mitchell thì các nhà mạng Nga từng có mạng lưới chia sẻ file riêng khoảng 10 năm trước.
Quyết định hợp pháp hóa phần mềm lậu, nếu được thông qua và thực thi, sẽ đúng với cách làm thực tế của chính phủ Nga thay vì việc tìm giải pháp phần mềm trong nước. Tuy nhiên, với việc nhiều phần mềm thương mại đã chuyển từ gói phần mềm mua một lần sang dịch vụ đăng ký định kỳ như hiện nay, ngay cả việc hợp pháp hóa phần mềm lậu cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Tùng Phong (Theo Ars Technica)