Đó là thực trạng đang xảy ra ở Lâm Đồng với những cá nhân hiến hơn 10ha để làm đường. Gần 100 dự án thường gọi chung là khu nghỉ dưỡng đã được hình thành theo cách như vậy.
Những con đường được mở ngay trong lòng đồi chè, rầm rộ tại các khu đất nông nghiệp ở thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đều thấy mở đường. Nhiều đến mức khó hiểu. Thậm chí, ở những nơi hẻo lánh, xung quanh không nhà dân nhưng vẫn xuất hiện những con đường nhựa rộng từ 5 - 6m.
"Đứng trên này là view bao đẹp luôn, bên này đồi chè, hồ view núi, bên này có cái rừng thông. Tất cả các dự án nghỉ dưỡng ở đây đều đầu tư theo dạng cá nhân đứng ra làm hết chứ không có quy hoạch 1/500. Chị đặt cọc, tùy phương án chị chọn, thích thì đi công chứng luôn trong vòng 7 - 10 ngày", một môi giới bất động sản nói.
80 căn biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng có hạ tầng đồng bộ với đường nội khu, hồ bơi, công viên... thuộc BLá, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lâm được hình thành từ chiêu hiến đất làm đường.
Theo ghi nhận, con đường được mở ra dưới hình thức người dân hiến đất làm đường để thuận tiện cho việc canh tác, sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có tới hàng trăm ha đường được hiến như thế này. Bản chất của việc hiến đất ở đây có phải là để phục vụ lợi ích công cộng, hay đó chỉ là bước mở đầu cho một kế hoạch của mục đích khác?
Sau mở đường, sự thật là không còn ai sản xuất nông nghiệp ở những khu đất đó. Từ hàng chục ha đất trồng chè đã được phân lô, tách thửa và chào bán công khai với những cái tên núp bóng các dự án bất động sản.
Chiêu trò hiến đất làm đường nở rộ vào khoảng năm 2019 - 2020 với gần 100 dự án. Lúc này, các thửa đất vẫn còn là đất nông nghiệp, đến năm 2021, hầu hết các thửa đất lại được chuyển đổi sang đất ở. Tất cả đều đứng tên cá nhân.
"Quy hoạch vùng nào là quy hoạch chợ, quy hoạch vùng nào nông thôn, vùng nào quy hoạch chè, cà phê, cái đó phải có quy hoạch hết và phải làm theo quy hoạch. Tôi cũng đặt vấn đề, sinh một nghi ngờ, có cái gì tiêu cực đằng sau không mà chuyển đổi dễ dàng như vậy", bà Lưu Thị Thanh An, nguyên Bí thư Thị ủy Bảo Lộc, Lâm Đồng, nói.
80 căn biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng có hạ tầng đồng bộ với đường nội khu, hồ bơi, công viên... thuộc BLá, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lâm được hình thành từ chiêu hiến đất làm đường, bắt đầu từ những con đường được mở trên đất nông nghiệp, sau đó là hợp thức hóa để thành cả 1 khu dân cư.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, sau khi hiến đất làm đường, gần 24.000 thửa được tách mới và chuyển đổi sang đất ở.
Chuyển đổi đất sai quy hoạch
Có thể thấy kịch bản chung trong câu chuyện này là các doanh nghiệp đã dùng danh nghĩa cá nhân để gom mua đất nông nghiệp với số lượng lớn, sau đó bằng cách xin hiến đất làm đường trong các thửa đất nông nghiệp, lắp điện, nước để hình thành nhiều "dự án" với hàng trăm lô đất. Bước cuối cùng là xin chuyển đổi sang đất ở để hợp pháp việc mua bán. Câu hỏi đặt ra là: Làm vậy thì có sai không, nếu sai thì ai làm sai và sai ở đâu?
Quy hoạch là căn cứ quan trọng để chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, bởi khi là đất ở, phải phù hợp quy hoạch liên quan đến xây dựng và khu dân cư. Như vậy, với khu vực nông thôn, phải theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên trong hàng loạt khu đất được chuyển đổi, huyện Bảo Lâm lại chỉ dựa vào quy hoạch sử dụng đất.
"Trên địa bàn huyện Bảo Lâm, các quy hoạch khác như quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch xây dựng thì phần lớn các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất không nằm trong các loại quy hoạch đó, chúng tôi căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất", ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, cho biết.
Trái ngược với trả lời của huyện Bảo Lâm, đại diện Sở Xây dựng cho rằng tỉnh Lâm Đồng có đầy đủ tất cả các loại quy hoạch để địa phương thực hiện. Qua kiểm tra tình trạng phân lô bán nền, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho thấy, các địa phương đã không làm đúng theo quy hoạch.
"Hầu như tất cả các địa phương chỉ căn cứ vào quy hoạch sử đụng đất để tách thửa mà không xem xét các đồ án quy hoạch khác, các loại quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch xây dựng nông thôn mới nên mới xảy ra tình trạng cho phân lô tách thửa đất ở, nhưng tại khu vực đó quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới lại không cho bố trí khu dân cư", Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung cho hay.
Hơn 300 ha bao gồm đường giao thông, đất phân lô, tách thửa không theo quy hoạch. Hậu quả của việc này là không hề nhỏ khi các khu đất đã mua đi bán lại mà người mua không biết rằng dù sổ đỏ là đất thổ cư, nhưng lại không được phép xây dựng.
"Rõ ràng chuyện này người dân bị thiệt, cho chuyển nhưng không cho xây dựng, mà có cho xây dựng hay không thì ngành xây dựng phải khẳng định có cho hay không cho là theo quy hoạch, mà quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đã không cho ở đó thì anh làm gì cho phép xây dựng nhà ở", Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung đánh giá.
Nếu chỉ là sự tính toán từ trước của những chủ đất thì thật khó lý giải cho sự trùng hợp khi tất cả lô đất theo cách hiến đất làm đường này, sau đó lại đều được chuyển đổi sang đất ở sai quy hoạch.
Bảo Lộc từng có gần 25.000 ha chè và được xem là thủ phủ chè của Việt Nam. Nơi đây là vùng nguyên liệu chính để sản xuất chè Ô Long, chè ướp hoa lài… nổi tiếng của Lâm Đồng. Chỉ sau 5 năm, từ năm 2015 - 2020, tổng diện tích chè của địa phương này đã giảm hơn 50%. Những đồi chè rộng lớn đã biến mất vì nạn phân lô bán nền tràn lan.
VTV.vn - Thành phố Hồ Chí Minh hiện chưa xác định được thời điểm tổ chức đấu giá lại 2 lô đất bị bỏ cọc ở Thủ Thiêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.53430610280302202-nen-nab-ol-nahp-ed-gnoud-mal-tad-neih-gnob-pun/et-hnik/nv.vtv