Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong bài phát biểu ghi hình được phát tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 28-2 - Ảnh: REUTERS
Các gợi ý được ông Vương Nghị đưa ra trong cuộc điện đàm ngày 7-3 với người đồng cấp của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell.
Trong cuộc điện đàm, ông Borrell trình bày ngắn gọn lập trường của EU về tình hình hiện tại ở Ukraine, cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là ngừng bắn và tránh thương vong lớn hơn nữa.
EU ủng hộ việc giải quyết vấn đề thông qua các cuộc đàm phán và Trung Quốc có thể khuyến khích các bên dừng nổ súng, ngồi vào bàn đối thoại.
Về phần mình, theo Tân Hoa xã, ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ không giải quyết vấn đề và càng trừng phạt chỉ càng khiến tình hình tệ thêm.
Theo ông Vương Nghị, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo, đồng thời cho biết thêm Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến 6 điểm về ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine.
Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giảm leo thang tình hình.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng kêu gọi EU đối thoại toàn diện và chân thành với Nga trong tương lai về các vấn đề an ninh châu Âu, hình thành một cơ chế an ninh bền vững ở châu Âu phù hợp với nguyên tắc "an ninh là bất khả phân chia".
Xe tăng bị phá hủy tại thành phố Sumy ở Ukraine ngày 7-3 - Ảnh: REUTERS
Vậy nguyên tắc này là gì?
Khái niệm này hiểu chung là an ninh của bất kỳ quốc gia nào cũng không thể tách rời khỏi các quốc gia khác trong cùng khu vực.
Được tạo ra lần đầu tiên trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, thuật ngữ "an ninh là bất khả phân chia" được đưa vào Hiệp định Helsinki năm 1975.
Đây là hiệp định đặt ra các quy tắc cơ bản cho sự tương tác giữa hai khối đối kháng vào thời điểm đó là NATO của phương Tây và khối Warszawa bao gồm Liên Xô và một số quốc gia vệ tinh.
Sau khi Liên Xô tan rã, các nước vệ tinh đã tự do lựa chọn phương án an ninh của riêng mình.
Hiến chương Paris năm 1990 về một châu Âu mới và an ninh châu lục đã tuyên bố "an ninh là không thể chia cắt và an ninh của mọi quốc gia tham gia không thể tách rời với an ninh của tất cả các quốc gia khác".
Các hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 1999 và Astana (Kazakhstan) vào năm 2010 đã tái khẳng định tầm quan trọng của "an ninh là bất khả phân chia", nhấn mạnh an ninh của quốc gia này không thể bị đánh đổi bằng sự mất an ninh của quốc gia khác.
Cả hai hội nghị thượng đỉnh cũng nhắc lại rằng không một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia nào "có thể coi bất kỳ phần nào của khu vực OSCE là phạm vi ảnh hưởng của mình", theo tờ Financial Times.
Một hiệp định năm 1997 giữa Nga và NATO nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau bao gồm các cam kết như "trong điều kiện an ninh hiện tại và có thể thấy trước mắt", NATO sẽ không thiết lập các căn cứ thường trực ở những quốc gia thành viên mới. Phần mở đầu của hiệp định này cũng mô tả Nga và NATO không phải là đối thủ của nhau.
Binh sĩ Mỹ tại căn cứ phòng thủ tên lửa của NATO ở Romania - Ảnh: AFP
Tuy nhiên, theo nhà khoa học chính trị Samuel Charap (Mỹ), thực tế đã hoàn toàn khác và dẫn đến hiện trạng ngày nay.
Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã tìm cách tạo ra một phạm vi ảnh hưởng xung quanh. Trong lúc đó NATO tiếp tục mở rộng về phía đông và thiết lập các căn cứ ở những nước Baltic hay Ba Lan với binh sĩ, khí tài triển khai luân phiên.
Những tranh cãi hiện nay giữa Nga và phương Tây xuất phát từ việc mỗi bên hiểu "an ninh là bất khả phân chia" theo cách khác nhau.
Ngay cả dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin vốn nghiêng về phương Tây, người Nga cũng hiểu nguyên tắc này là Matxcơva có quyền tham gia vào quá trình ra quyết định an ninh của châu Âu.
Điều này được diễn giải thành bất kỳ sự mở rộng nào của NATO ảnh hưởng đến "lợi ích an ninh cốt lõi" của Nga đều phải được thực hiện với sự đồng ý của nước này. Nếu không, Nga sẽ có hành động để ngăn chặn các kế hoạch đó thành hiện thực.
Các nước vệ tinh hoặc từng thuộc Liên Xô thì lại có suy nghĩ khác. Họ cho rằng nguyên tắc này có nghĩa là được tự do lựa chọn tham gia các khối an ninh và có toàn quyền trong việc đó với tư cách là một quốc gia có chủ quyền.
Cách diễn giải khác biệt ấy lý giải vì sao việc thỏa hiệp trở nên vô cùng khó khăn và phức tạp.
TTO - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Ukraine, và Bắc Kinh sẽ gửi viện trợ khẩn cấp tới Ukraine.