Ngày 8-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi giám sát đối với UBND quận Bình Thạnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn TP.
Chỉ 1/34 đề án sử dụng tài sản công được xem xét
Tại buổi giám sát, UBND quận Bình Thạnh cho biết quận hiện có 75 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó 44 đơn vị có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê. Gồm 22 trường tiểu học; 15 trường THCS, trung cấp nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, nhà thiếu nhi, chợ Thị Nghè, chợ Văn Thánh và chợ Thanh Đa.
Đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, nêu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA
Vừa qua quận đã lập 34 đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng qua thẩm định chỉ có một đề án được thống nhất, báo cáo cho cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết quận cũng nhìn nhận tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai là rất lớn. Tuy nhiên, cấp quận rất khó khăn trong xử lý các tồn tại về lĩnh vực đất đai, dẫn đến lãng phí thời gian, ngân sách và tài sản của nhân dân.
Về lãng phí đất đai, ông Huy cho biết việc quận Bình Thạnh có lãng phí trong quy hoạch sử dụng đất, trong sử dụng tài sản công mà một phần do chính sách và một phần cho chủ quan trong quản lý, chưa chủ động ban hành chính sách để điều chỉnh những tồn tại.
Trước những tồn tại này, quận đã có kiến nghị TP, TP có điều chỉnh nhưng chỉ đạo quyết liệt còn chậm. Ông đơn cử việc cho thuê các mặt bằng đã có phê duyệt phương án của Sở Tài chính nhưng sự phối hợp giữa các sở có liên quan còn hạn chế.
“Những văn bản của các sở khi thực hiện thẩm định giá cho quận/huyện sử dụng tài sản công khi đến các sở/ngành có chậm nên không tổng hợp được ý kiến chung” - ông Huy nói.
Nhiều mặt bằng có thể thu mỗi tháng hàng trăm triệu lại bỏ trống
Về vấn đề này, ĐB Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng việc lập các đề án sử dụng tài sản công vào việc cho thuê, liên doanh, kinh doanh… sẽ bổ sung cơ sở vật chất, tài sản cho Nhà nước; nếu làm chậm thì sẽ gây lãng phí rất lớn. ĐB Bình nhìn nhận không thể chờ phân cấp, ủy quyền để phê duyệt các đề án này.
“Đơn cử như ở ngành văn hóa, thể thao, nhiều mặt bằng mỗi tháng thu hàng trăm triệu lại bỏ trống, không cho thuê được. Khi đi kiểm tra thấy rất đau xót, trong khi không có tiền mà còn phải bỏ tiền thuê bảo vệ trông nom, sửa chữa hằng năm… chỉ có rớt nước mắt thôi” - ĐB Bình chia sẻ và mong quận Bình Thạnh có sự chủ động, “không thể vượt rào” trước quy định thì nghiên cứu việc quản lý trước mắt tốt nhất.
ĐB Bình cũng bày tỏ quan tâm đến việc xử lý nguồn tài nguyên đất đai, môi trường, bởi đây là nguồn lực rất lớn của TP. Nếu quản lý tốt thì sẽ đảm bảo chặt chẽ pháp lý, tránh thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước.
Theo ĐB Bình, sau khi đô thị hóa thì một số vị trí đất công, kênh rạch có giai đoạn quản lý chưa chặt, khiến một số hộ dân có hành vi lấn chiếm. Trong quá trình xử lý có nhiều trường hợp vướng, khó. ĐB Bình mong quận Bình Thạnh có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, không để người dân lỡ xây dựng các công trình, tạo nhiều hậu quả không đáng có.
ĐB Bình cũng đề nghị quận rà soát nguồn nước dưới đất, không để thất thu, không để ô nhiễm, phòng trường hợp khi cần sử dụng.
Tại buổi giám sát, ĐBQH Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1, nhìn nhận những bất cập trong việc cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết tài sản công đã dẫn đến lãng phí tài sản nhà nước. “Trường học mà không có căn tin thì không được, nếu thầy cô làm thì sai, cũng không có điều kiện để làm, mà mình liên doanh, liên kết thì chưa được công nhận” - ĐB Yến chia sẻ. Bà cho biết vừa qua quận 1 đã thực hiện đề án cho thuê trung tâm văn hóa quận rất hiệu quả, sử dụng được cơ sở vật chất, không lãng phí, tiết kiệm việc sửa chữa hằng năm... Do đó, ĐB Yến đề nghị quận Bình Thạnh tiếp tục đeo bám 34 đề án nêu trên. |