CLIP: Toàn cảnh chợ Sắt nhìn từ trên cao
Chợ Sắt được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, nằm tại khu đất vàng trên đường Quang Trung, gần sông Tam Bạc (Quận Hồng Bàng, Hải Phòng). Do có vị trí đắc địa, gần tuyến đường thuỷ quan trọng nên chợ buôn bán sầm uất trong khoảng 100 năm, trở thành niềm tự hào của thành phố cảng.
Sau khi bị cháy năm 1985, chợ Sắt được xây dựng lại vào năm 1992 với quy mô 6 tầng, tổng vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD. Lúc đó, nhiều tiểu thương phải bỏ ra 50-60 triệu đồng (tương đương một căn nhà ở thời điểm năm 1994) để có một ki ốt trong chợ. Tuy nhiên, càng ngày chợ càng vắng khách, đánh mất đi vị thế của mình.
Hiện chợ Sắt chỉ còn sử dụng chủ yếu ở tầng 1 với các hộ kinh doanh đồ điện tử. Nhiều tiểu thương đã rời khỏi chợ Sắt để chuyển sang kinh doanh ở các nhà gần đó hoặc chuyển sang chợ Tam Bạc.
Tầng 2 không có hộ kinh doanh nên được cho thuê lại để làm nơi đóng loa thùng.
Chiếc thang cuốn hiện đại với thời điểm thập niên 90 cũng rơi vào cảnh hư hỏng, phủ bụi.
Mái tôn tầng 1 được nhiều hộ tận dụng để vứt rác, loa hỏng.
Nhiều khu vực ở tầng 2 bị ngập nước, trở thành nơi chứa loa hỏng. Hiện thành phố Hải Phòng đã đồng ý cho công ty cổ phần May - Diêm Sài Gòn xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao, văn phòng cho thuê tại đây với tổng mức đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư cam kết thực hiện dự án trong 36 tháng.
Tổ hợp trung tâm thương mại chợ Sắt sẽ có 2 toà tháp gồm 40 tầng nổi và 2 tầng hầm trên diện tích 15.200 m với kiến trúc độc đáo, hiện đại. Nơi đây sẽ giúp Hải Phòng bù đắp dịch vụ ẩm thực, dụ lịch, bãi đỗ xe cho các khu vực xung quanh và tạo điều kiện để Hải Phòng phát triển phố đi bộ, trung tâm kinh tế đêm. Ảnh phối cảnh Trung tâm thương mại chợ Sắt trong tương lai.
Chủ đầu tư cũng xây dựng khu chợ tạm tại đường Trường Chinh (Lãm Hà, Kiến An, Hải Phòng) để di dời các hộ kinh doanh sang. Khi di chuyển sang chợ tạm, mỗi ki ốt sẽ được thành phố hỗ trợ 10 triệu đồng và thưởng 15 triệu đồng nếu hộ kinh doanh hoàn thành việc di dời trước ngày 15/3.
Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh hiện không đồng tình vì chợ tạm ở xa trung tâm, được xây dựng không kiên cố, khang trang, số tiền hỗ trợ thấp, thời gian từ khi thông báo đến khi buộc phải di dời ngắn.
Để giải đáp thắc mắc của các tiểu thương, ngày 16/2, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng - đã chủ trì buổi tiếp và trả lời kiến nghị của các hộ dân kinh doanh tại chợ Sắt.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ với những khó khăn của các hộ dân đang kinh doanh tại chợ Sắt khi phải di chuyển về khu chợ tạm trong khi chờ xây dựng chợ Sắt mới; đồng thời nhấn mạnh việc di chuyển để phục vụ cho thành phố triển khai Tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê nhằm chỉnh trang đô thị tại khu vực này.
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng đề nghị các hộ dân sớm di chuyển, bàn giao trước ngày 15/3/2022. Thành phố sẽ hỗ trợ chi phí vận chuyển, hỗ trợ ổn định tại nơi kinh doanh mới. Đối với hộ đang kinh doanh ở vị trí mặt tiền tại chợ Sắt khi chuyển sang chợ mới sẽ được ưu tiên bố trí mặt tiền; với hộ mặt tiền không di chuyển theo đúng thời gian quy định sẽ được bố trí vào khu bên trong. Thành phố sẽ đầu tư cơ sở vật chất tại khu chợ mới đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho các hộ dân kinh doanh.
Vị trí chợ Sắt hiện tại và chợ tạm mà các tiểu thương sẽ di dời.
https://soha.vn/niem-tu-hao-cua-hai-phong-mot-thoi-sap-bi-thay-the-bang-trung-tam-thuong-mai-6000-ty-20220307161413415.htmTheo Nguyễn Toán - Việt Hùng
Doanh nghiệp và Tiếp Thị