Bé nhà tôi 12 tuổi, đã quay trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến. Ở lớp thi thoảng có F0, con nhà tôi lại trở thành F1, để yên tâm, sau mỗi lần như vậy tôi lại test nhanh cho bé dù chẳng có dấu hiệu gì.
Tôi có cần test nhanh cho con ngay khi bé thành F1 không? Khi nào nên test nhanh COVID-19? Xin bác sĩ tư vấn. (Minh Anh, 35 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Ngay sau khi tiếp xúc với F0 việc test nhanh hoặc PCR chỉ cho thấy rằng bạn chưa nhiễm tại thời điểm lấy mẫu chứ không phải là không bị lây. Việc không có triệu chứng hoặc khi bắt đầu có triệu chứng nồng độ virus còn thấp test nhanh cũng khó phát hiện.
Việc test nhanh ngay lập tức sau khi tiếp xúc với F0 thường giải quyết được tâm lý lo lắng là đã bị nhiễm hay chưa song tỷ lệ dương tính lại thấp do lúc này nồng độ virus chưa cao.
Chỉ nên test sau 5 đến 7 ngày dù có triệu chứng hay không có triệu chứng. Ngoài ra chỉ nên test khi có các biểu hiện nghi ngờ như: Chảy nước mũi, ho, sốt, đau nhức người...
Hiện nay giá một bộ test nhanh cũng không phải rẻ, việc cứ hễ thành F1 là lại test nhanh vô tình làm tiêu tốn một lượng kinh tế vô ích của bản thân, gia đình và xã hội. Có thể việc này không ảnh hưởng đến kinh tế cá nhân do bản thân có điều kiện nhưng vô tình tạo nên lượng khan hiếm trên thị trường, đẩy nguồn cầu tăng lên dẫn đến lạm phát trong giá cả kit test, khiến người dùng khác bị ảnh hưởng khi họ thực sự cần thiết cần phải sử dụng.
Mỗi bộ kit xét nghiệm nhanh sẽ có hướng dẫn sử dụng khác nhau tùy thuộc vào nhà sản xuất. Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi lấy mẫu.
Kết quả test nhanh có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả, do vậy việc âm tính hay dương tính cũng chỉ mang giá trị tham khảo, cần khai báo y tế khi phát hiện dương tính.
Ngoài ra, với những bệnh phẩm dương tính có thể coi là rác thải y tế độc hại cần tránh vứt những dụng cụ xét nghiệm này trực tiếp vào thùng rác sinh hoạt của gia đình hoặc trường học. Cần bọc kín bỏ xa khu vực sinh hoạt chung.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu
Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương