vĐồng tin tức tài chính 365

Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 4: Ổ bánh mì thăng trầm với đất nước

2022-03-09 11:12
Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 4: Ổ bánh mì thăng trầm với đất nước - Ảnh 1.

Bản tin bánh mì lên giá trong thời chiến - Ảnh tư liệu

"Lại mua bánh mì nữa rồi", chị Hằng cau mày khi chồng chị, anh Lê Thanh, về nhà trước bữa cơm tối, tay cầm ổ bánh mì không, miệng nhai ngon lành. 

Đã nhiều lần chị thất vọng khi để bụng đói chờ chồng về ăn bữa cơm cho ngon, còn anh thì đã vô tư nhai cả ổ bánh mì. Nhưng anh Thanh vẫn không thể cưỡng lại mùi thơm, màu vàng ruộm của mẻ bánh mới mỗi khi đi ngang lò bánh mì. Phản xạ "thèm bánh mì" của anh đã hình thành từ lâu lắm...

Mỗi gia đình một ổ bánh mì

"Hồi nhỏ, có hồi tôi sợ bánh mì, rồi lại có hồi thèm bánh mì điên dại...", anh Thanh cười xòa mỗi khi vợ phân trần với ai về cái thói quen khó bỏ của anh.

"Sợ bánh mì", ấy là sau mấy mươi năm kể từ thời những tiệm bánh mì "thiệt thợ Langsa" tọa lạc trên những con đường Charner, Catinat sang trọng, các lò bánh mì đã xuất hiện ở mọi khu dân cư, bánh mì đi vào những bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều, bữa tối, bữa khuya của đủ mọi người với đủ mọi công thức, kiểu cách ăn. Miền Nam đã có nhiều nhãn hiệu bột mì nội địa sản xuất dư dùng.

Khi ấy Thanh còn là một cậu bé. Cậu sung sướng với những sáng được mẹ thưởng cho khúc bánh mì thịt, bánh mì gà, bánh mì patê, và rồi mau chóng thấy ngán khi trường học phát bắt buộc mỗi sáng một cốc sữa cộng một khúc bánh mì không. "Con nít mà, cái gì bắt buộc, lặp đi lặp lại là ngán lắm, sáng nào đến trường cũng nghĩ cách trốn sữa với bánh mì...", anh cười kể lại.

Những ngày ấy qua rất mau. Chiến tranh leo thang, viện trợ xuống thang ảnh hưởng đến cả ổ bánh mì. Bột mì bị tăng thuế, tăng giá rồi khan hiếm. 

Ngày 25-8-1973, báo Điện Tín đưa dòng tin nổi bật đậm nhất trên trang 1: "Sau gạo, đường, sữa, xăng, bắt đầu từ ngày mai: Ổ BÁNH MÌ LÊN 10$" lấn át cả các tin chiến sự. Bánh mì trường học không còn nữa, nhiều lò bánh phải đóng cửa. 

Sau những biến động của 1975, nguồn nguyên liệu không còn, bánh mì cũng trở thành một mặt hàng được cấp phát, mua theo tiêu chuẩn như tất tần tật những mặt hàng thiết yếu khác. Tất nhiên khi ấy, những cậu bé như Thanh sẽ ân hận khi nghĩ đến những lúc mình đã lãng phí một mẩu bánh mì trên tay...

"Bên cạnh nhà tôi lúc ấy có ông hàng xóm làm trong tổ cấp phát bánh mì mỗi sáng. Mỗi nhà được một vài ổ gì đó, chỉ biết là chẳng thể lấp đầy những cái bụng khi ấy chẳng hiểu sao mà lúc nào cũng đói. Cậu bé 11 - 12 tuổi là tôi lúc đó bèn nghĩ ra cách bày tỏ mình thật ngoan ngoãn, được việc để được ông tín nhiệm cho đi phụ giúp đẩy xe bánh mì. Sáng sớm, ông cầm cái sổ đi trước, tôi đẩy chiếc xe rùa trên đó có giỏ bánh mì phía sau, vừa đi vừa hít hà mùi bánh mì đến từng nhà trong tổ để phát bánh. Xong việc rồi, ông trả công cho tôi một ổ bánh nhỏ nhất còn lại. Mùi vị chiếc bánh mì đầu tiên mà mình tự kiếm được giữa lúc thiếu đói ấy mới đã thèm làm sao. Chưa bao giờ tôi thấy bánh mì ngon đến thế, dù chỉ là ăn không mà thôi. Thói quen gặm bánh mì sau này của tôi có lẽ đã bắt đầu từ lúc đó...".

Câu chuyện anh Thanh kể chỉ cách nay vài chục năm, nhưng lớp trẻ nghe được chắc sẽ tưởng như cổ tích thời đầu thế kỷ. 

Mà là thật. Chúng tôi tìm được mẩu báo Tin Sáng ngày 15-6-1976 tường thuật cặn kẽ về một hình mẫu của thành phố thời điểm ấy: "Quận 3 triển khai cách thức phân phối bánh mì mới: Đoàn thể phụ nữ các phường Cư xá Đô Thành, Cộng Hòa, Phan Đình Phùng, Bàn Cờ (thuộc quận 3) đã và đang phối hợp với phòng Thương nghiệp quận áp dụng cách thức phân phối bánh mì đến tận tổ đoàn kết. Riêng tại khóm 3 Cư xá Đô Thành, chị em phụ nữ đã lập tổ phục vụ bánh mì và đưa bánh đến tận nhà cho nhân dân.

Cách thức phân phối do chị em trong tổ phục vụ bánh mì rất đơn giản. Hai chị em trong tổ có nhiệm vụ lập danh sách và liên hệ chặt chẽ với các tổ trưởng tổ dân phố trong khóm mình. Buổi tối, các tổ trưởng dân phố liên hệ với các hộ gia đình thâu tiền, lập danh sách (ai không muốn dùng bánh mì buổi sáng thì không đóng tiền). 

Sáng sớm, khoảng 4 giờ rưỡi, các tổ trưởng liên hệ với tổ phục vụ bánh mì, đưa danh sách kèm theo tiền và nhận bánh về phân phối tận nhà cho nhân dân. Cách thức phân phối này giảm bớt hệ thống đại lý trung gian, đồng thời phục vụ nhân dân một cách hữu hiệu".

Một bài báo khác nữa ngày 24-6, câu chuyện điển hình về bánh mì vẫn chưa dứt: "Chỉ tiêu phấn đấu của các chị em phụ nữ cũng như yêu cầu của ủy ban quận 3 đề ra là làm sao mỗi ngày, trung bình mỗi hộ gia đình được mua một ổ bánh mì là tối thiểu, với khả năng sản xuất của 6 lò bánh mì hiện hoạt động trong toàn quận...".

Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 4: Ổ bánh mì thăng trầm với đất nước - Ảnh 2.

Tiệm bán bánh mì ở Sài Gòn - Ảnh tư liệu

Trở lại thời hoàng kim

Những ổ bánh mì phân phối. Những ổ bánh mì xa xỉ phẩm. Những ổ bánh mì trộn bột khoai, bột sắn "rắn như đá"... 

Thời "đêm trước đổi mới" ấy kéo dài tới chục năm. Không chấp nhận những phi lý đi ngược quy luật thị trường ràng buộc cuộc sống, ngăn cản phát triển, TP.HCM xé rào, TP.HCM đổi mới.

Những thiếu thốn gạo mì mau chóng đi qua. Những lò bánh mở trở lại, những tiệm bánh cũ hồi phục, những tiệm bánh mới mở ra, nhiều xe bánh mì trở thành thương hiệu nổi tiếng được người người xếp hàng chờ mua, nhiều người bán bánh mì đã trở thành những doanh nhân lớn của thành phố. Phải rồi, lịch sử bánh mì Sài Gòn đến lúc đó đã trăm năm, nội lực sâu dày sức bật lên càng mạnh.

Xem lại kho tư liệu, những bài báo giới thiệu, phân tích về nghề làm bánh mì, hướng dẫn cách làm bánh mì đã từng xuất hiện trên Khoa Học tạp chí từ số tháng 3-1926. Bánh mì xuất hiện dày đặc trong hàng chục cuốn sách dạy nấu ăn, nữ công gia chánh từ những năm 1930. 

Trong ấy dạy người phụ nữ nấu nướng và trình diễn những "bữa cơm Tây" với vô số công thức: bánh mì ổ ăn với cà ri, lagu, xúp, bánh mì lát ăn với cá mòi đóng hộp, trứng ốpla, ốplết, bánh mì nướng ăn với bơ, mứt, patê, jambon, xúc xích, bánh mì chiên ăn với salad, bánh mì tròn mềm ăn với sữa...

Kể ra đã là phong phú cho các bà nội trợ. Nhưng nếu chỉ có vậy, những bữa bánh mì sẽ vẫn là những "bữa cơm Tây" và sẽ chẳng bao giờ có ngày chữ "banh mi" với trọn vẹn cách phát âm tiếng Việt được ghi vào từ điển tiếng Anh Oxford với tư cách một món ăn Việt, chẳng bao giờ "banh mi Saigon" trở thành một trong những món ăn đường phố nổi tiếng nhất thế giới.

Trong cuộc hội nhập với Sài Gòn, bánh mì baguette từ nước Pháp đã được hào hứng đón nhận với vô vàn biến tấu, sáng tạo của hàng ngàn người bán bánh mì qua hàng chục năm, trăm năm để hôm nay trở thành "banh mi Saigon" thật quen thuộc và thật đặc biệt...

Một trong hàng ngàn câu chuyện thời bao cấp khiến ngày nay người đọc lại phải cười ra nước mắt. Mua một ổ bánh mì mà có lúc đã "lớn chuyện" đến như vậy đó. Riêng tôi thì nhớ những ổ bánh mì thật to, dài, vàng óng thường được bán ở các cửa ngõ ra khỏi thành phố, ổ bánh mì sandwich vuông, dài gần bằng thân người và thơm nức mùi bơ sữa của hiệu Như Lan.

Những ổ bánh ấy thi thoảng lắm tôi lại được người lớn chở xe đạp đi mua, nâng niu ôm về nhà, cẩn thận gói vào mấy lớp giấy báo, trân trọng gửi cho một người quen nào đó sắp lên máy bay, bay đi Hà Nội. Đó sẽ là món quà quý được chuyển đến cho mấy đứa em nhỏ của tôi ở ngoài đó...

Ngày ấy có thằng bé chỉ mong trời nhanh sáng để được chạy ra đầu hẻm, đứng nuốt nước miếng, chờ mua nửa ổ bánh mì chan xì dầu, phết chút patê...

Kỳ 5: Ổ bánh mì ngon chảy nước miếng thời đói

Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 3: Chiếc bánh chứa đầy tâm hồn ViệtBánh mì Việt ký sự - Kỳ 3: Chiếc bánh chứa đầy tâm hồn Việt

TTO - Đến cuối thế kỷ 19 thì cái bánh ba-gét (baguette) của Tây đã trở nên quen thuộc với người Việt ở khắp Nam Kỳ - xứ thuộc địa, Bắc Kỳ - xứ bảo hộ và cả ở Trung Kỳ - đất vua triều Nguyễn nhưng thực chất đã chịu sự bảo hộ của Pháp.

Xem thêm: mth.46965838090302202-coun-tad-iov-mart-gnaht-im-hnab-o-4-yk-us-yk-teiv-im-hnab/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bánh mì Việt ký sự - Kỳ 4: Ổ bánh mì thăng trầm với đất nước”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools