Giá xăng bán lẻ trong nước hiện ở mức 26.870 đồng/lít (xăng RON95). So với cùng thời điểm năm 2021, giá xăng đã tăng 40 - 50%. Hiện tại, xăng dầu đang “cõng” bốn loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 7 - 10% (xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7%...), thuế bảo vệ môi trường 1.000-4.000 đồng/lít (xăng E5RON92 là 3.800 đồng/lít, xăng RON95 là 4.000 đồng/lít, dầu diesel 2.000 đồng/lít). Như vậy, mỗi lít xăng RON95 bán ra đang “cõng” 37,5% thuế. Bên cạnh đó, còn thêm 6,5% các loại phí như chi phí định mức 950 - 1.050 - 1.250 đồng/lít tùy loại, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít...
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế môi trường 1.000 đồng/lít đối với xăng và 500 đồng/lít đối với dầu diesel. Nếu căn cứ theo đà tăng của giá xăng dầu thế giới hiện nay thì ngay cả khi giảm thuế 1.000 đồng/lít thì giá xăng dầu có thể chỉ được giữ nguyên ở một kỳ điều chỉnh giá (10 ngày) chứ khó giảm thêm được.
Nhiều chuyên gia đề xuất đưa xăng dầu vào nhóm sản phẩm được giảm thuế VAT 2% - Ảnh: Quốc Thái |
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính - thông qua công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính có thể điều chỉnh giá xăng dầu trong nước với mức biến động thấp hơn giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, số dư Quỹ bình ổn giá hiện chỉ còn khoảng 700 tỷ đồng, trong đó nhiều doanh nghiệp xăng dầu lớn đang có số dư quỹ bình ổn âm. Công cụ tốt nhất để giữ bình ổn giá xăng dầu lúc này là giảm các loại thuế, phí. Trong bốn loại thuế mà xăng dầu đang “cõng” thì thuế xuất nhập khẩu không thể giảm được nên chỉ có thể xem xét giảm ba loại thuế còn lại.
Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43, trong đó có giảm thuế VAT 2% nhưng do xăng dầu thuộc nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên không được giảm. Giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa tăng, có thể làm giảm hiệu quả của chính sách giảm 2% thuế VAT. Nên chăng, Quốc hội xem xét lại, đưa xăng dầu vào nhóm giảm thuế VAT 2% vì đây là lần đầu tiên sau 14 năm, giá xăng dầu thế giới tăng lên mức 147 USD/thùng.
Sở dĩ một lít xăng đang “cõng” nhiều loại thuế là vì việc thu thuế mặt hàng này quá thuận lợi. Nhưng việc thu quá mức sẽ gây tác động đến doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng, kích thích buôn lậu xăng dầu. Thay vào đó, nên đánh thuế vào những mặt hàng tác động đến môi trường và nhóm đối tượng chưa thu được thuế hiệu quả như thuế nhà đất, hộ kinh doanh, người kinh doanh online, người kiếm tiền trên các nền tảng số… sau đó lấy số thuế này bù vào khoản đã giảm thuế VAT cho xăng dầu. “Có tình trạng doanh nghiệp xăng dầu kê khai doanh thu thấp hơn để trốn thuế. Thay vì chăm chăm đánh thuế đầu vào thì nên có giải pháp đánh thuế đầu ra để thu thuế hiệu quả” - tiến sĩ Ngô Trí Long nói.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - thì có quan điểm khác khi cho rằng, không thể tiếp tục giảm thêm các loại thuế khác từ xăng dầu do thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ lớn như gói an sinh xã hội 350.000 tỷ đồng, Quốc hội đã có nghị quyết về giảm 2% thuế VAT và Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500-1.000 đồng/lít. Muốn xây dựng giá xăng dầu theo hướng kinh tế thị trường thì hãy để thị trường quyết định. Giá thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước phải tăng và không thể bắt Nhà nước trợ giá mãi.
Theo tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, hiện thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm còn 8% và dầu là 0%, còn sang năm 2023, thuế xuất nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN chỉ còn 5% và năm 2024 sẽ về mức 0%. Như vậy, tính ra, tổng số thuế, phí mà xăng dầu đang “cõng” sẽ ở mức trung bình thấp so với các nước như Trung Quốc (52%), Lào (56,5%), Campuchia (49%), Philippines (49,5%)… Đối tượng cần được hỗ trợ là những người buôn gánh bán bưng, chạy xe ba gác; nếu giảm giá xăng dầu thì những đối tượng này không nhận được gì nhiều, trong khi những người có thu nhập cao, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiều xăng dầu, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Cũng theo ông, tới đây, trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt, giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng và sẽ giữ ở mức cao khá lâu, có thể tác động đến giá cả hàng hóa, khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Điều này đòi hỏi Tổng cục Quản lý thị trường, cơ quan giá cả của Bộ Tài chính phải thường xuyên giám sát ảnh hưởng của giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào đến giá thành dịch vụ đầu ra.
Ông dẫn chứng, giá xăng dầu chiếm 40% giá thành trong ngành vận tải ô tô, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì chỉ tác động khoảng 4% giá dịch vụ, nên giá dịch vụ vận tải tăng 10 - 20% là không hợp lý. Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất bị giá xăng dầu tác động chỉ 1 - 2% nhưng vẫn lợi dụng giá xăng dầu để tăng giá bán sản phẩm 5 - 10% là “té nước theo mưa”.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.3088541a-uad-gnax-aig-cul-pa-maig-pahp-iaig-gnouc-gnat-nac/nv.moc.enilnounuhp.www