Chuyên gia cho rằng cần làm rõ động cơ, mục đích rút súng của nam giám đốc ở Nghệ An.
Như Lao Động đưa tin, Công an huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang điều tra việc ông Hồ Văn Nam - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ và điều tra) rút súng bắn đạn cao su, lên đạn ở chỗ đông người trong một vụ giao dịch liên quan bất động sản.
Cơ quan chức năng cho rằng, hành vi của ông Nam có dấu hiệu sử dụng công cụ hỗ trợ sai mục đích, sai đối tượng bảo vệ.
Theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Tiến - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và Thông tư 17/2018 của Bộ Công an, công cụ hỗ trợ gồm các loại súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, đánh dấu; các loại dùi cui điện, dùi cui kim loại.
Khoản 1 Điều 55 của luật trên quy định những đối tượng được cấp giấy phép trang bị công cụ hỗ trợ gồm: Quân đội, dân quân tự vệ, cảnh sát biển, công an nhân dân, cơ yếu, kiểm lâm, bảo vệ rừng chuyên trách, kiểm ngư, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.
Ngoài ra, người được phép trang bị công cụ hỗ trợ còn có an ninh hàng không, lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ...
Tuy nhiên, người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và sử dụng đúng mục đích; có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe; không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải được đào tạo, huấn luyện, được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Cũng theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Điều 61 quy định rõ người được giao công cụ hỗ trợ chỉ được sử dụng khi ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng; ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Ngoài ra, công cụ hỗ trợ được sử dụng khi ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, cơ sở cai nghiện ma túy...
Nhìn nhận sự việc, Tiến sĩ - Trung tá Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học Bộ Công an) cho biết, nếu việc sử dụng công cụ hỗ trợ ngoài phạm vi hoạt động của doanh nghiệp thì tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ" theo điều 306 Bộ Luật Hình sự.
Trong vụ việc, theo Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ nguồn gốc khẩu súng, anh ta có giấy phép sử dụng súng hay không, lý do rút súng ra để làm gì.
Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng, nếu địa điểm xảy ra sự việc rút súng đe dọa là nơi công cộng, hành vi của đương sự dẫn đến hậu quả làm ùn tắc giao thông… thì người đó có thể bị xem xét xử lý về hành vi "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318, Bộ luật Hình sự.