Ngày hôm qua 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga để phản ứng trước chiến dịch quân sự tại Ukraine.
"Chúng tôi sẽ cấm mọi hoạt động nhập khẩu xăng dầu và năng lượng của Nga. Điều đó đồng nghĩa dầu mỏ Nga sẽ không được tiếp nhận tại các cảng biển của Mỹ", ông Biden tuyên bố.
Một số nguồn tin giấu tên cho biết, ông Biden đã thảo luận với những đồng minh châu Âu về biện pháp "cô lập" nền kinh tế của Moskva. Tuy nhiên, các nước châu Âu, vốn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt Nga, sẽ không tham gia biện pháp cấm vận này.
Nhiều nước châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Ảnh: 163.com
Ở một diễn biến khác trước đó, Saudi Arabia ngày 27/2 thông báo đã phát hiện ra 5 mỏ khí đốt tự nhiên mới có quy mô lớn trên lãnh thổ của mình, với sản lượng hàng ngày dự kiến trên 2,8 triệu mét khối.
Saudi Arabia là một quốc gia năng lượng lớn và không có gì ngạc nhiên khi phát hiện ra mỏ khí đốt tự nhiên mới có quy mô lớn như vậy. Nhưng vào thời điểm xung đột Nga – Ukraine đang căng thẳng, việc công bố thông tin phát hiện mỏ khí đốt tự nhiên vẫn khiến người ta băn khoăn.
Đó là một sự trùng hợp hay cố ý? Và liệu Saudi Arabia có thể thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên quan trọng nhất ở châu Âu, hoặc thậm chí là ảnh hưởng đến tình hình giữa Nga và Ukraine? Một nhà bình luận có gần 200.000 người theo dõi trên trang tin tức tổng hợp 163.com của Trung Quốc đã có bài phân tích về vấn đề này.
Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu
Để hiểu rõ vấn đề này, cần phải bắt đầu từ cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trong những năm qua. Người ta nói rằng, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng vọt trong những năm gần đây, và việc sản xuất và tiêu thụ khí đốt tự nhiên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình địa chính trị của châu Âu và Nga. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao châu Âu lại phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên như vậy?
Điều này thực sự không thể tách rời các kế hoạch năng lượng sạch triệt để của các nước Tây Âu. Châu Âu bước vào thời đại công nghiệp sớm hơn các châu lục khác. Nhiên liệu hóa thạch thúc đẩy thời đại công nghiệp chủ yếu là than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên; trong đó, than đá là trụ cột trong những ngày đầu.
Tuy nhiên, các nước Tây Âu nhìn chung thiếu năng lượng hóa thạch, cho dù đó là than đá, dầu mỏ hay khí đốt tự nhiên. Trong những năm gần đây, "năng lượng sạch" đã trở thành một chủ đề không thể bỏ qua ở Tây Âu, và nó được nói đến hầu hết mỗi ngày bởi cả người dân và các chính trị gia.
Không những vậy, nhiều nước đang dần bước vào giai đoạn phát thải CO2 đạt đỉnh và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, nên việc lựa chọn năng lượng sạch là điều bắt buộc. Nhưng hiện tại không có nhiều lựa chọn: năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân.
Đức và Pháp là nòng cốt của Liên minh châu Âu (EU). Sau sự cố hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) vào năm 2011, Đức đã bắt đầu giảm năng lượng hạt nhân, trong khi tỷ lệ năng lượng tái tạo như quang điện đã vượt quá 50%. Pháp chủ yếu dựa vào điện hạt nhân với tỷ lệ 70%.
Nhưng cho dù đó là Đức, Pháp hay Anh – nước đã rời khỏi EU, tất cả đều đang loại bỏ điện than ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là, trong bối cảnh giảm phát thải khí carbon, làm thế nào những khoảng trống về năng lượng này có thể được lấp đầy?
Câu trả lời là: khí đốt tự nhiên. Cường độ carbon của khí đốt tự nhiên thấp hơn 25% so với dầu và 40% so với than, khiến nó trở thành năng lượng hóa thạch chuyển tiếp thích hợp nhất. Vì vậy, nhiều nước Tây Âu nhập khẩu khí đốt tự nhiên với số lượng lớn, ví dụ điển hình nhất là Đức.
Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) là một dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên xa bờ từ Vyborg (Nga) đến Greifswald (Đức). Ảnh: 163.com
Theo Tổng cục Năng lượng EU, cơ cấu tiêu thụ năng lượng của EU hiện tại như sau: khí đốt tự nhiên chiếm 25%, dầu mỏ chiếm 32%, năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học chiếm 18%, nhiên liệu hóa thạch rắn khoảng 11%.
Phần lớn khí đốt tự nhiên của EU được nhập khẩu: Nga chiếm 41%, Na Uy chiếm 24% và Algeria là 11%. Trong đó, khí đốt tự nhiên Nga không chỉ rẻ nhất mà còn có trữ lượng lớn nhất. Do đó, EU có xu hướng thiết lập mối quan hệ hợp tác năng lượng lâu dài và ổn định với Nga. Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ổn định từ Nga cũng có thể giúp EU tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.
Saudi Arabia có đáp ứng được nhu cầu của EU?
Câu trả lời rõ ràng là không. Sản lượng khí tự nhiên mới được phát hiện ở Saudi Arabia dự kiến sẽ trên 2,8 triệu mét khối mỗi ngày. Còn Nga thì sao?
Sản lượng khí đốt tự nhiên trung bình hàng ngày của Nga vào năm 2021 là 1,41 tỷ mét khối, gấp 500 lần sản lượng hàng ngày của các mỏ khí đốt tự nhiên mới được phát hiện tại Saudi Arabia.
Không chỉ vậy, theo thống kê, sản lượng và tiêu thụ khí đốt tự nhiên của EU vào năm 2020 lần lượt là 47,81 tỷ mét khối và 379,94 tỷ mét khối, tức là cần nhập khẩu 332,13 tỷ mét khối.
Điều này đòi hỏi các nhà cung cấp phải đảm bảo ít nhất 900 triệu mét khối khí đốt tự nhiên mỗi ngày, gấp hơn 300 lần sản lượng hàng ngày của các mỏ khí đốt tự nhiên mới được phát hiện tại Saudi Arabia. Nếu tính cả nhu cầu về khí đốt tự nhiên ở Anh - quốc gia đã rời EU - thì khoảng cách sẽ là 350 lần. Do đó, các mỏ khí đốt tự nhiên mới được phát hiện ở Saudi Arabia đơn giản là không thể đáp ứng nhu cầu của EU.
Tất nhiên, Saudi Arabia không chỉ có 5 mỏ khí đốt tự nhiên mới được phát hiện. Họ còn là quốc gia sản xuất khí đốt tự nhiên lớn trên thế giới. Năm 2020, sản lượng khí khô của nước này đạt 310 triệu mét khối mỗi ngày, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu về khí đốt tự nhiên của nhiều nước châu Âu.
Chưa kể, những yếu tố như thiếu cơ sở hạ tầng vận chuyển và năng lực cung cấp năng lượng cho châu Âu còn hạn chế khiến họ khó có thể thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt chính của EU.
https://soha.vn/nga-bi-trung-phat-chau-au-lanh-cong-saudi-arabia-se-tro-thanh-cuu-tinh-ve-nang-luong-20220309104416234.htmTheo Hữu Hiển
Doanh nghiệp và Tiếp Thị