Góp ý với Bộ Tài chính ngày 9/3, Bộ Công Thương đề nghị tăng mức giảm thuế bảo vệ môi trường cao hơn mức dự kiến Bộ Tài chính đưa ra.
Mặt hàng | Thuế bảo vệ môi trường hiện hành | Bộ Tài chính đề xuất | Bộ Công Thương đề xuất |
Xăng (trừ ethanol) | 4.000 | 3.000 | 2.000 |
Dầu diesel, mazut, nhờn | 2.000 | 1.500 | 1.000 |
Dầu hoả | 1.000 | 500 | 500 |
Mỡ nhờn | 2.000 | 1.500 | 1.000 |
Đơn vị: VND
Theo Bộ Công Thương, việc giảm mạnh thuế là để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng mạnh, tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch.
Mức đề xuất này của Bộ Tài chính bị các doanh nghiệp, hiệp hội chê là quá thấp và không nhiều ý nghĩa. VCCI cũng đề nghị tăng mức giảm thuế này lên 50% mức đang áp dụng, 1.000 đồng với mỗi lít dầu; 2.000 đồng với mỗi lít xăng.
Giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU với Nga, gây nên thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu đang tăng mạnh vì các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Ngày 9/3, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã lên mức dầu WTI là 125,68 USD một thùng, dầu Brent là 130,53 USD một thùng và vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu theo đó đã tăng lên mức 142-158 USD mỗi thùng, tăng 51-69 USD so với giá ngày đầu tháng 1 năm nay.
Bộ Công Thương nhận xét, mức giá này sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu trong nước, kỳ điều hành ngày 11/3 có thể tăng 5.000-8.000 đồng một lít, kg tuỳ loại, tương đương tăng 27-44% so với giá xăng dầu đầu năm 2022. Việc này có thể làm ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước năm 2022.
Hiện, công cụ bình ổn là Quỹ bình ổn xăng dầu hiện không còn nhiều, khoảng 620 tỷ đồng, trong khi số dư quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đầu mối đang âm.