Tại buổi gặp gỡ báo chí diễn ra tối 9-3 tại TP HCM, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), đã thông tin lại về số liệu các lô hàng có nguy cơ bị mất tại Ý.
Theo đó, quy mô vụ việc được thu hẹp với 36 container hạt điều, trị giá hơn 7 triệu USD (tương đương 162 tỉ đồng) của doanh nghiệp Việt Nam bị mất kiểm soát. Còn con số 100 container điều ban đầu là số liệu ký kết hợp đồng, thực tế một số doanh nghiệp khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo đã ngừng giao hàng, giữ hàng tại cảng trung chuyển, đồng thời yêu cầu ngân hàng giữ lại bộ chứng từ.
"Có 5 doanh nghiệp bị hại, đơn vị bị nặng nhất là 27 container, còn lại mỗi doanh nghiệp bị vài container. Điều mà các doanh nghiệp lo lắng là trong tháng 3, tất cả các lô hàng này sẽ được cập cảng tại Ý nhưng cả doanh nghiệp và ngân hàng đều không biết bộ chứng từ gốc của các lô hàng ở đâu trong khi bất cứ ai có chứng từ gốc đều có thể nhận hàng.
Vụ việc nằm ngoài tầm tay của các doanh nghiệp nên họ đã làm đơn kêu cứu đến Vinacas để gửi văn bản đến cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ. Hiện nay, Vinacas đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của các cơ quan chức năng" – ông Nhựt thông tin.
Ông Bạch Khánh Nhựt (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với phóng viên về vụ bán 100 container điều sang Ý chiều tối 9-3
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc ngành điều đã gặp trường hợp lừa đảo nào với phương thức tương tự hay chưa? Ông Bạch Khánh Nhựt xác nhận đây là vụ lừa đảo lớn nhất được ghi nhận và ông là người đã công tác trong ngành điều hơn 30 năm. "Trước giờ trên thương trường những dạng lừa đảo kiểu này là có nhưng đơn lẻ, không đồng loạt như lần này. Với các doanh nghiệp bị hại, nếu bị mất hàng thì thiệt hại không nhỏ" – ông Nhựt nhìn nhận.
Theo Vinacas, cả 5 doanh nghiệp bị hại đều xuất khẩu hàng sang Ý cho những khách hàng mới thông qua một công ty môi giới có tên Kim Hạnh Việt. Ông Nhựt không tiết lộ chi tiết về tên doanh nghiệp bị hại, số tiền đặt cọc các lô hàng họ đã nhận được nhưng các hợp đồng đều được giao trong tháng 2 là thời điểm Tết, hơi lạ so với thông lệ. Khách mua bên Ý không phải một mà rất nhiều, điều này khiến các doanh nghiệp không nghi ngờ vì thực tế Ý là thị trường nhỏ, nếu một khách mua doanh nghiệp Việt sẽ đặt nghi vấn.
Trong vụ việc có một số đơn vị liên đới là công ty môi giới Kim Hạnh Việt, 5 ngân hàng và các hãng vận chuyển.
Về việc công ty môi giới có tiếp tay cho lừa đảo hay không, ông Nhựt cho biết chưa có bằng chứng. Đây là công ty có chủ là người Việt, quốc tịch Mỹ, có hơn 10 năm trong ngành và không có lịch sử xấu trong môi giới. Từ năm 2019 đến nay, chủ công ty Kim Hạnh Việt không về Việt Nam nhưng có lý do khách quan là Covid-19 nên không thể nhận định người này "bỏ trốn" như một số tin đồn.
Hiện mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là được sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam để chính quyền sở tại ở Ý ban hành lệnh hành chính trường hợp "khẩn cấp" để tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ tới cảng. Các hãng tàu không giải phóng hàng cho người nhận xuất trình hồ sơ gốc mà chỉ cho phép giải phóng hàng khi có xác nhận từ doanh nghiệp chủ hàng tức các DN Việt Nam.