Divya Mahendra Rathod - Ảnh: Youth Co:lab
Đối với Divya Mahendra Rathod, kinh doanh chưa bao giờ là điều cô nghĩ đến, bởi cô vẫn luôn muốn trở thành một nhà khoa học.
Tuy nhiên, bước ngoặt đến với cô vào năm 2014, khi Divya 19 tuổi và đang là sinh viên năm hai. Cô được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu, một căn bệnh gây ảnh hưởng đến 155 triệu người mỗi năm. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể để lại hậu quả lâu dài, chẳng hạn như ung thư bàng quang.
Trong thời gian trị bệnh ở bệnh viện, Divya luôn bị thôi thúc bởi ý nghĩ mình nên làm gì đó để tránh cho những người phụ nữ khác cũng bị bệnh như mình.
Quay lại trường học, cô cùng giáo sư của mình làm một dự án nghiên cứu, phát minh ra một sản phẩm có dạng sơn gọi là HAPITO, sử dụng các hạt nano để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn. Tuy nhiên, do Divya muốn tập trung vào việc học nên dự án chỉ dừng lại ở đó.
Đến năm 2018, Divya có cơ hội tiếp tục công trình nghiên cứu của mình khi tham gia và giành giải thưởng trị giá khoảng 15.000 USD ở cuộc thi Chancellor’s Challenge - một sáng kiến của Trường NMIMS (thành phố Mumbai) nhằm khuyến khích sinh viên thoát ra khỏi vùng an toàn của mình và có những ước mơ lớn.
Divya Mahendra Rathod giành chiến thắng tại Chancellor’s Challenge - Ảnh: Youth Co:lab
Nhận thấy rằng nhà vệ sinh công cộng không hợp vệ sinh là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiễm trùng đường tiểu, Divya điều chỉnh sản phẩm mà cô đã tạo ra ở đại học để có thể sử dụng cho nhà vệ sinh công cộng.
Với số tiền được tài trợ từ Chancellor’s Challenge, Divya đã nghiên cứu và biến HAPITO thành một sản phẩm dạng xịt dễ sử dụng hơn phiên bản cũ. Điều đặc biệt của HAPITO chính là một khi xịt lên một bề mặt, sản phẩm sẽ tạo ra một lớp bảo vệ giúp toilet không bị nhiễm khuẩn cả tháng trời.
Làm thế nào được? HAPITO chứa các phân tử nano, giúp kháng nước và vết bẩn, cũng như kháng khuẩn, kháng nấm, kháng vi rút... Về cơ bản, nó tạo ra một lớp màng mỏng trong suốt trên bồn cầu để ngăn vi sinh vật phát triển và gây nhiễm trùng.
Hình ảnh minh họa cho sản phẩm HAPITO - Ảnh: Youth Co:lab
Đến đầu năm 2019, Divya thành lập Công ty Silvery Nanos có trụ sở tại Mumbai. Không lâu sau đó, HAPITO được sử dụng ở các nhà vệ sinh công cộng tại các nhà ga ở Mumbai, cũng như các thành phố khác trên khắp Ấn Độ.
Do bản thân là một nhà khoa học, việc vận hành một doanh nghiệp khởi nghiệp không phải là thế mạnh của Divya. Cô tham gia vào Youth Co: Lab - một dự án do Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Citi Foundation khởi xướng - đã giúp cô vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình đó.
Trên con đường của mình, Divya nhiều lần giành được các giải thưởng từ Youth Co:Lab Challenge, Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UN Women)… Với tinh thần chăm chỉ và tận tâm, Divya đã biến số tiền thưởng mình nhận được to lên gấp nhiều lần thông qua doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, chặng đường thành công của cô cũng gặp không ít thử thách, trong số đó là tình trạng phân biệt đối với nữ giới. "Khi bạn nói chuyện với các nhà phân phối, với các nhà đầu tư, họ ít quan tâm đến các nữ doanh nhân, bởi vì họ cho rằng phụ nữ một khi kết hôn, sinh con, họ phải lo việc gia đình nên không có nhiều thời gian", cô chia sẻ.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Divya nhìn thấy cơ hội mới để phục vụ cộng đồng. Dù phải đối mặt với những thách thức do đại dịch, đặc biệt là khâu sản xuất, công ty của Divya lại càng mở rộng hơn nữa.
Divya bắt đầu cho ra mắt các sản phẩm mới giúp chống lại virus, như HAPITO ++ có thể được sử dụng trên bất cứ bề mặt cứng nào như bàn, ghế, hay thậm chí là dụng cụ của bác sĩ, chứ không chỉ dùng cho toilet như dòng sản phẩm đầu tiên.
Ngoài ra, cô còn sản xuất ra HAPIDRY có thể sử dụng trên các bề mặt mềm như gối, hay màn cửa…
Từ chỗ phải nằm trên giường bệnh vì nhiễm trùng đường tiểu, Divya giờ không chỉ có sự nghiệp kinh doanh thuận lợi mà còn mong muốn tài trợ và hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ. Cô muốn tặng những sản phẩm của mình cho những người khó khăn nhất, xây nhà vệ sinh và nâng cao nhận thức về vệ sinh và an toàn, muốn làm mọi thứ trong khả năng của mình để tránh cho bất kỳ phụ nữ hay cô gái nào phải trải qua những gì cô ấy đã phải chịu đựng suốt những năm tháng trước đây.
Lan tỏa cảm hứng khởi nghiệp
Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up cả nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2022.
Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Sẽ có khoảng 25 - 30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) trong tháng 3-2022. Diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp" sẽ là nơi cho các bạn trẻ, bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này chia sẻ những ý tưởng khởi nghiệp.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp trên sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, Tân Hiệp Phát, An Hòa...
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup@tuoitre.com.vn.
TTO - Trong những năm học tại Đại học Yale, April Koh đã chứng kiến, đồng thời trải qua cảm giác thất vọng và tốn kém khi tìm phương thức chữa các bệnh về sức khỏe tâm thần.