Nhiều mặt hàng thiết yếu từ lương thực, thực phẩm, tới xăng dầu liên tục tăng giá, trong khi "hầu bao" của nhiều người dân phải thắt chặt vì dịch bệnh. Cũng chính vì vậy, mới đây, việc Bộ Tài chính bắt đầu lấy ý kiến góp ý sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thời điểm này đang thu hút được nhiều sự quan tâm. Sửa như thế nào để nộp thuế không phải là áp lực đối với người làm công ăn lương, nhất là trong bối cảnh giá cả leo thang là mục tiêu hàng đầu.
Mức đóng thuế thu nhập cá nhân hiện hành
Từ 1/7/2020, mức giảm trừ gia cảnh nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng. Đối với cá nhân không cư trú, thuế thu nhập cá nhân được tính theo công thức: Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x 20%.
Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: PLO)
Đối với cá nhân cư trú:
- Trường hợp 1: Nếu hợp đồng lao động dưới 3 tháng, mức lương chi trả lớn hơn hoặc bằng 2 triệu đồng/tháng. Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x 10%.
- Trường hợp 2: Nếu Hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại Việt Nam thì tính theo biểu lũy tiến từng phần 7 bậc.
"Mức chịu thuế thu nhập hiện nay hơi thấp, kỳ vọng sẽ cao hơn để mọi người có khả năng tích lũy trong tương lai nhiều hơn, vì hiện giá cả đang leo thang", một người dân cho biết.
"Bối cảnh hiện nay chúng ta đang rất khó khăn về mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Mức thu nhập của người dân không phải đang tăng lên quá cao. Bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách đang bị tiết giảm để thực hiện cho các biện pháp giãn, hoãn thuế nên chúng ta cần cân nhắc. Một mặt là ngân sách cũng cần phải tiết kiệm, nhưng mặt khác chi tiêu tiêu dùng của cơ quan, tổ chức và của người dân cũng phải tiết kiệm. Do đó, sức ép đòi hỏi tăng giới hạn chịu thuế thời điểm này chưa cần thiết, nhưng cần tính đến thuế của các hoạt động kinh doanh mang tính chất đầu cơ như lĩnh vực bất động sản", ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đánh giá.
"Bộ Tài chính tính toán dựa trên điều kiện của từng nhóm dân cư trong nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ Bộ Tài chính nên tính toán để có điều tiết phù hợp cho tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh nào đó, có tầng lớp dân cư cũng phải chịu đóng góp, chia sẻ khó khăn cho nền kinh tế, cho đất nước để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong dài hạn", ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định.
Tổng thu thuế thu nhập cá nhân năm 2021 là hơn 123.000 tỷ đồng. Trong những năm qua, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 28% xuống 25% và hiện đang áp dụng mức 20%, còn mức thuế thu nhập cá nhân đối với các bậc thuế vẫn giữ với mức cao nhất lên tới 35%.
Hiện Bộ Tài chính yêu cầu đánh giá theo từng nhóm vấn đề gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh... Liên quan đến phương thức tính thuế, ngoài Việt Nam, thuế thu nhập lũy tiến đang là phương thức tính thuế chủ đạo tại nhiều nước trong khu vực.
Thuế thu nhập cá nhân tại các quốc gia
Từ nhiều năm trở lại đây, quốc đảo Singapore đã áp dụng cách tính thuế thu nhập cá nhân tăng theo lũy tiến.
Từ nhiều năm trở lại đây, Singapore đã áp dụng cách tính thuế thu nhập cá nhân tăng theo lũy tiến. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)
Cụ thể, thuế thu nhập cá nhận tại Singapore áp dụng với công dân đảo quốc này chia thành 10 bậc thuế, trải từ 2 - 22% tổng thu nhập cá nhân.
Ở mức đóng thuế cao nhất, công dân Singapore có thu nhập năm trên 320.000 Đô la Singapore (gần 6 tỷ đồng/năm) sẽ phải đóng mức thuế suất 22%, tức là nếu thu nhập tăng gấp khoảng 10 lần thì thuế suất đối với thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ tăng thêm 10 lần.
Malaysia có 11 bậc thuế trải 1 - 30%; còn Indonesia chỉ có 5 bậc thuế trải từ 5 - 35%.
Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đánh thuế thu nhập cá nhân cao nhất thế giới.
Những quốc gia có thuế suất thu nhập cá nhân cao nhất từ 50 - 55% gồm: Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Áo.
Bên cạnh Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, hiện Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến về việc nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi 5 luật thuế khác, bao gồm: Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Việc xem xét đồng loạt các luật thuế thời điểm này được cho là cần thiết trước những biến động của kinh tế toàn cầu, qua đó khoan thư sức dân, làm sao để chính sách thuế vừa đảm bảo tính hiệu quả, vừa tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, từ đó ổn định đời sống của người dân.
Mức giảm trừ gia cảnh hiện hành liệu có còn phù hợp với chi tiêu thực tế của người dân khi giá cả leo thang? Biểu thuế lũy tiến từng phần 7 bậc liệu có cần phải điều chỉnh? Sửa như thế nào để nộp thuế không phải là áp lực đối với người làm công ăn lương?
Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (9/3) với sự tham gia bình luận của ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam. Mời quý vị theo dõi video trên!
VTV.vn - Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!