Sông Sài Gòn đoạn qua TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các chuyên gia lịch sử văn hóa - xã hội và quy hoạch đô thị bày tỏ sự quan tâm tha thiết đến ý tưởng về một đô thị ven sông Sài Gòn. Điểm gặp nhau là yếu tố sông nước của đô thị lâu đời nơi phương Nam cần được khai thác hiệu quả và ý nghĩa...
* TS Nguyễn Thị Hậu (tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM):
Nên là thành phố thông thương và thông thoáng
Như nhiều đô thị ở Nam Bộ hình thành và phát triển bên những dòng sông, Sài Gòn - TP.HCM trải qua hơn 300 năm đã định hình một thành phố ven sông.
Trước nay sông Sài Gòn thường được biết qua khúc sông làm nên một "Sài Gòn đẹp lắm": Tân Cảng, công xưởng Ba Son, hệ thống cảng Sài Gòn lớn nhất nước, bến Bạch Đằng tấp nập người xe...
Rồi từ Cầu Mống vào Chợ Lớn là rạch Bến Nghé, hai bên là nhà máy bến cảng phố chợ... Do đó, sông Sài Gòn - rạch Bến Nghé được coi là "mặt tiền" của đô thị Sài Gòn (xưa) vì ở đó hiện diện khá đầy đủ những đặc trưng kinh tế - văn hóa của thành phố.
Bước qua thế kỷ XXI, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và lan rộng. Sông Sài Gòn (sẽ) trở thành "đại lộ" xuyên suốt từ vùng cao Củ Chi xuống vùng thấp ven biển Cần Giờ. Dòng sông uốn lượn giữa hai nửa thành phố, hình thành khu vực "mặt tiền" dọc theo sông.
Nếu muốn phát triển đặc trưng "đô thị sông nước" của TP.HCM, cần tuân thủ quy hoạch lấy sông Sài Gòn làm trục chính để xây dựng các tuyến giao thông đường bộ ngang và dọc như nhiều thành phố trên thế giới. Ngoài ra, cần "bảo tồn" các tính chất:
Tính chất thông thương của sông Sài Gòn và hệ thống kinh rạch tỏa ra. Hình thành hệ thống buýt đường sông và các bến tàu kết hợp những trung tâm thương mại (theo mô hình truyền thống: bến là/và chợ).
Tính chất "mặt tiền" thể hiện văn hóa - xã hội đa dạng và phong phú: đôi bờ sông (và kênh rạch lớn có khoảng không gian công cộng bao gồm đường ven sông, công viên cây xanh, một số không gian văn hóa - nghệ thuật, thương mại, du lịch.
Tận dụng môi trường sông nước một cách có hiệu quả (cảnh quan, không khí, gió biển...): sông được kè bờ vững chắc, xây dựng nhiều cầu mới, hiện đại, đa dạng. TP.HCM nếu mất tính chất "cảng thị" thì sẽ mất đi một nguồn lực kinh tế cũng như nguồn lực văn hóa mới. Tính chất "cảng" làm duy trì và phát triển sự cởi mở, năng động của thành phố.
Vì vậy, bên cạnh khu vực cảng kinh tế thì khu vực cửa sông - vịnh biển Gành Rái - Cần Giờ - Vũng Tàu nên trở thành cảng du lịch lớn nhất, "cửa ngõ" quốc tế của thành phố. Một "thành phố sông nước" là thành phố thông thương và thông thoáng. Không thể che kín đôi bờ sông, cũng như không thể để lãng phí giao thông đường thủy sông và biển.
* TS Nguyễn Minh Hòa (phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM):
Dải đô thị mềm mại, xanh, thân thiện
Sông Sài Gòn đoạn chảy qua thành phố dài 80km, phần còn khai thác hiệu quả khoảng 65km từ chân cầu Sài Gòn cho đến Bến Dược đi qua quận 1, Bình Thạnh, 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi.
Mô hình nào cho dải đô thị này? Đây là điều quan trọng, nếu xác định sai thì sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Muốn trả lời cho câu hỏi này thì phải hiểu sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn không thẳng như sông Hồng, sông Tiền hay như sông Matxcơva (Nga), Seine (Pháp) mà ngoằn ngoèo liên tục, gấp khúc, nhiều đoạn cua rất gắt như ở Bến Dược và Bến Súc, nhiều chỗ bị bẻ cong đi tạo ra hình vòng cung gần khép kín ở Thanh Đa và Thảo Điền.
Sông chảy khá êm đềm, nhưng lại bị tác động nước triều nên tràn bờ khi triều lên. Dải đất cặp bờ sông là đất yếu, dễ lún sụp, nhiều mạch nước ngầm và túi nước, túi bùn bên dưới. Hình thái sông như thế được hình thành tự nhiên qua hàng nghìn năm nay, cần được tôn trọng.
Dải đô thị kéo dài từ Tân Cảng đến Củ Chi nên là đô thị SÔNG NƯỚC - SINH THÁI. Nếu làm trục đường giao thông nhanh từ 4 - 6 làn xe kéo dài gần 70km dành cho các loại xe tải, xe siêu trường siêu trọng và kèm theo đó là thực hiện việc bêtông hóa bờ sông, làm kè cứng, tiến hành lấn sông, nắn dòng chảy… thì rất nguy hiểm vì sẽ gây ra xói mòn, lún sụp hai bờ và có thể bào mòn dần theo năm tháng dẫn đến mất luôn các đoạn lồi của Thanh Đa, Thảo Điền, Thủ Thiêm và xói nền móng chân các cây cầu Bình Triệu, Sài Gòn, Thủ Thiêm 2.
Do vậy, giao thông chính ở đây nên là giao thông thủy sử dụng canô, thuyền, tàu buýt, tàu sông, cần thiết có thể một vài đoạn giao thông bộ nhưng chỉ 2 làn xe là đủ.
Hình thái của dải đô thị này không phải là nhà cao tầng, nhà phố hình ống, cửa hàng (shophouse) chạy liền mạch từ đầu tới cuối mà nên ngắt quãng, xen kẽ giữa nhà dân, công trình công ích là công viên, cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa. Màu chủ đạo của dải đô thị này là màu xanh.
Dải đô thị này không mỏng mà có chiều sâu do kết nối với các vườn cây, làng nghề, khu dân cư bên trong của Hóc Môn, Củ Chi tạo ra dải đô thị sinh thái và văn hóa. Sức sống của nó không phải chỉ là "đường phố". Hình thái học của nó là thấp bên ngoài mặt sông và cao dần vào bên trong để đón gió sông.
Dải đất chạy cặp sông chủ yếu là không gian công cộng để làm công viên sinh thái, không làm bờ kè cứng, có các quán cà phê và nhà hàng thấp tầng, xây dựng không kiên cố, một số chỗ làm âu thuyền và bến lên xuống của tàu thuyền khách, chợ truyền thống bờ sông.
Theo khảo sát sơ bộ thì dọc bờ sông hiện nay có một số công trình lâu đời như chùa, nhà thờ, nhà cổ Nam Bộ, làng nghề thì phải giữ nguyên. Cố gắng giảm tối đa việc giải tỏa di dời, bất khả kháng thì nên tái định cư tại chỗ và đưa người dân tham gia vào dự án như một chủ thể cùng khai thác chứ không phải là đối tượng cần dọn sạch.
Dải đô thị này nếu kết hợp tốt giữa quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, giao thông, cảnh quan môi trường thì sẽ tạo nên một dải đô thị mềm mại, xanh, thân thiện nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cũng đồng quan điểm rằng nếu có một đô thị ven sông Sài Gòn thì vùng lõi nên thiết kế trục giao thông đường thủy:
"Cứ hình dung công chức hoặc người lao động ở khu đô thị ấy ngày ngày đi làm không phải dùng phương tiện cá nhân đường bộ mà có sẵn hệ thống buýt đường sông với các bến xuống lên hợp lý, đây sẽ là điểm độc đáo và còn có ý nghĩa đáng sống đối với một đô thị có đặc thù sinh thái như vậy" - ông Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
TTO - Làm thế nào để đô thị bên sông Sài Gòn phát triển xứng tầm với tiềm năng và lịch sử của vùng đất phương Nam năng động này? Những gợi mở, ý tưởng, đề xuất nào để có thể hiện thực hóa giấc mơ phát triển bao đời?
Xem thêm: mth.32635602001302202-nog-ias-gnos-nev-iht-od-ohc-gnout-y/nv.ertiout