Sau vài thập kỷ điên cuồng đầu tư, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang không chỉ dẫn dắt thị trường châu Á mà còn cả thế giới. Làn sóng Hallyu đang ảnh hưởng sâu rộng lên nhiều quốc gia ở Đông Nam Á và giúp tất cả những gì liên quan đến Hàn Quốc được chào đón nồng nhiệt – đặc biệt là tại Việt Nam.
Dựa vào dữ liệu của 76 nhóm nhạc K-pop trên nền tảng Youtube, nghiên cứu cho thấy có hơn 26,5 tỷ lượt tìm kiếm liên quan đến K-pop. Đáng ngạc nhiên là chỉ 10% các tìm kiếm này đến từ Hàn Quốc, quê hương của làn sóng văn hóa Hallyu, phần còn lại đến từ những quốc gia khác.
Theo đó, thành phố yêu thích K-pop nhất trên thế giới không phải là quê hương Seoul mà chính là TP.HCM, với trung bình cứ mỗi một người tại TP.HCM đóng góp 393 lượt cho các video K-Pop.
Vậy nên, người Việt – đặc biệt là các bạn trẻ, siêu khát khao được thấy idol người Việt hoạt động và nổi tiếng ở K-pop, như Thái Lan đã làm được. Ở Đông Nam Á, Thái Lan là đất nước duy nhất có rất nhiều idol là siêu sao ở K-pop, như Nickhun (2PM), Bambam (GOT7) hay Lisa (Black Pink).
Và khi Hanbin tên thật là Ngô Ngọc Hưng, sinh năm 1998 tại Yên Bái; chính thức ra mắt trong nhóm nhạc Tempest – trực thuộc Yuehua Entertainment, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của các bạn trẻ Việt Nam. Nhờ đó, chỉ 1 tuần sau khi ra mắt, MV Bad News của nhóm đã có hơn 15 triệu lượt xem trên YouTube. Tất nhiên, rất nhiều lượt xem MV Bad News đến từ Việt Nam.
Đây là một thành tích đầy bất ngờ, vì trước khi ra mắt, Tempest không có nhiều hoạt động marketing và lại đến từ công ty không lớn. Nên biết, MV O.O của ‘siêu tân binh’ NMIXX đến từ công ty ‘big 3’ JYP đạt 46 triệu lượt xem sau 2 tuần ra mắt. Clip reaction MV Bad News từ streamer ViruSs nhận được 130.000 lượt xem chỉ sau 3 ngày xuất hiện.
MV Bad News của nhóm Tempest đạt 15 triệu view sau 1 tuần ra mắt trên YouTube.
Tại Việt Nam, không chỉ mỹ phẩm, ẩm thực, thời trang Hàn Quốc được ưa chuộng, mà ngôn ngữ cũng thế. Số lượng người dùng muốn học tiếng Hàn đã tăng gấp đôi khi bộ phim truyền hình ăn khách của Hàn Quốc là Squid Game được phát hành.
Dữ liệu toàn cầu của ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo cũng cho thấy: tại thị trường Việt Nam thì tiếng Hàn là ngôn ngữ phổ biến thứ tư được lựa chọn (sau tiếng Anh, Trung và Nhật) để học. Vì người Việt mong muốn thưởng thức các chương trình truyền hình, phim dài tập và nhạc K-pop một cách trọn vẹn nhất, không cần thông qua phụ đề hoặc bản dịch.
Ở khía cạnh khác, có thể nói, phim ảnh là một trong những động lực học tập một môn ngoại ngữ khác khá mạnh mẽ với nhiều người dùng.
"Sau khi xem xong bộ phim hài - lãng mạn ‘Eat, Pray, and Love’, mình đã có nhiều động lực để tìm hiểu thêm về tiếng Ý. Mình từng rất thích thú khi tập nói và học thêm một vài từ vựng mới trong lúc cố gắng hoài niệm về khung cảnh và những câu chuyện về nước Ý trong phim", chia sẻ từ bạn H.T.L.Nhung, 25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội.
Phim truyền hình "Emily in Paris" cũng là nguồn cảm hứng cho việc học tiếng Pháp trên toàn thế giới. Theo một báo cáo của Duolingo, số người học tiếng Pháp tăng đến 30% trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, người Việt Nam học ngoại ngữ trong năm vừa qua vì các mục tiêu: mong muốn đi du lịch khám phá những quốc gia khác (32%); học để hiểu những đầu sách, bộ phim và âm nhạc nước ngoài (24%); và tìm hiểu về nền văn hóa ngoại quốc khác (22%).
Tại Việt Nam, người dùng dành khoảng 8 đến 25 phút mỗi ngày để học một ngôn ngữ mới. Trên Duolingo, người dùng dành trung bình hơn 17 phút mỗi ngày cho việc sử dụng ứng dụng, thường vào lúc 9 giờ sau bữa tối.
Những diễn biến phức tạp của đại dịch đã ảnh hưởng đến các kế hoạch du lịch và buộc mọi người phải ở nhà. Mọi người quyết định học một ngoại ngữ thứ hai vì nhiều lý do khác nhau: phục vụ công việc, du học hoặc đơn giản hơn: muốn kết nối với những người họ yêu mến, bạn bè và những nền văn hóa đã giúp họ có động lực phấn đấu trong suốt thời gian khó khăn vừa qua.
Lượng người dùng của Duolingo tại Việt Nam đã tăng gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2021.
Trong giai đoạn này, Duolingo đã chứng kiến số người dùng hoạt động hàng ngày tại Việt Nam tăng gần như gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2021, một sự tăng trưởng đáng kinh ngạc mà không cần đến bất cứ chiến dịch truyền thông nào.
"Tôi nghĩ học ngôn ngữ mới trên Duolingo là một cách sử dụng thời gian thông minh, giúp bản thân cải thiện và trau dồi một kỹ năng mới. Khi thành phố ban hành lệnh phong tỏa, tôi có thêm kha khá thời gian rảnh rỗi để học tiếng Anh trên Duolingo. Giờ thì tôi có thể biết thêm từ vựng để luyện tập tiếng cùng cháu mình", cô T.T.N.Quả, 52 tuổi, một giáo viên tiểu học tại TP.HCM tiết lộ.
Duolingo là nền tảng học ngoại ngữ phổ biến nhất và là ứng dụng giáo dục được tải xuống nhiều nhất trên toàn thế giới. Ứng dụng giúp việc trải nghiệm học một ngôn ngữ mới trở nên thú vị với các bài học ngắn gọn giống như đang chơi trò chơi. Duolingo đặt ra sứ mệnh phát triển một nền giáo dục chất lượng cao và dễ dàng tiếp cận với mọi người trên thế giới.
Ứng dụng hiện cung cấp tổng cộng hơn 100 khóa học với 41 ngôn ngữ khác nhau, từ tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Nhật đến tiếng Navajo và tiếng Yiddish.
"Trước đây, việc học một ngôn ngữ mới đòi hỏi sự hỗ trợ từ những khóa học đắt đỏ, đĩa CD hoặc gia sư riêng. Tôi lớn lên ở Guatemala, nơi mà tiếng Anh có thể giúp tăng gấp đôi thu nhập và thay đổi hoàn toàn cuộc sống của gia đình bạn.
Nhưng việc đó phần nào khá bất công khi việc tiếp cận học tập tiếng Anh chỉ dành cho những người có điều kiện kinh tế khá giả, trong khi những người kém may mắn hơn hầu như không thể học đọc và viết tiếng Anh.
Và ý tưởng này đã trở thành sứ mệnh và kim chỉ nam hoạt động xuyên suốt của Duolingo cho đến ngày hôm nay: mang đến nền giáo dục tốt nhất trên thế giới và phổ biến nó đến mọi nơi", ông Luis von Ahn - Giám đốc điều hành của Duolingo, chia sẻ trên blog của công ty.
http://tintuc.vdong.vn/03/1264378.htmQuỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị