Người bán bánh mì Sài Gòn mời chào hành khách đi xe - Ảnh tư liệu
"Ai bánh mì bơ không? Bánh mì thơm giòn mua về ba khen má thương...". Nhiều năm đã trôi qua rồi, tôi vẫn nhớ mãi những lời rao này trên chuyến xe đò xuôi về miền Tây thời hậu chiến nghèo khó cuối thập niên 1970 và 1980 của thế kỷ trước.
Bánh mì trên chuyến xe về quê
Ngày ấy, tôi là thằng bé sinh ở Sài Gòn và theo gia đình đi kinh tế mới như rất nhiều người khác sau năm 1975. Chín tháng tôi học phổ thông ở trường miệt bưng Long An, ba tháng hè tôi quay lại thành phố ở với mẹ, và có bao chuyến xe đò ngược xuôi đã đi vào ký ức đời mình những năm tháng chỉ quay quắt ám ảnh chén cơm đầy vơi, có độn bo bo, khoai mì hay không. Và thật sự đó là thời bánh mì đã trở thành "cao lương mỹ vị" không chỉ với thằng bé nửa quê nửa phố như tôi mà cả với nhiều người khác, từ trẻ con đến thanh niên, ông già bà cả.
Tôi nhớ chặng lên thành phố từ bến xe Thủ Thừa hay Trà Cú, Hậu Nghĩa, tỉnh Long An cũng có cô bán bánh mì kẹp thịt làm chảy nước miếng thằng nhóc như tôi, nhưng ít thấy người ôm cần xé bánh mì không lên rao bán trong xe như chiều ngược lại. Có lẽ, người ta không muốn chở củi về rừng, vì dẫu năm tháng ấy rất khó khăn thì Sài Gòn vẫn là trung tâm sản xuất bánh mì.
Riêng chặng đi về quê, từ bến xe Chợ Lớn hay Miền Tây, An Sương thì lúc nào cũng sực nức mùi bánh mì, nhất là hương bánh mì bơ không thể lẫn vào đâu. Tôi viết không thể lẫn vào đâu, người trẻ bây giờ có thể hơi lạ, nhưng những ai ngót nghét tuổi 50 có lẽ quá hiểu. Cái bến xe thời bao cấp ấy là một thế giới riêng với đủ thứ hình ảnh và mùi vị, kể cả mùi khét lẹt của xăng dầu, nhà vệ sinh bẩn thỉu và bến bãi đầy rác rưởi, bùn đất vì làm gì đã được đổ bêtông sạch sẽ như bây giờ.
Và với tôi cũng như bao người khác, trong các thứ mùi "hầm bà làng" đó thì mùi bánh mì luôn sực nức lên hơn tất cả, quyến rũ đến chảy nước miếng và đi vào cả giấc mơ thằng bé. Tôi vẫn chưa quên hình ảnh ở các bến xe thành phố này. Ngoài những cô ngồi bán xe bánh mì kẹp thịt, thì có cả đội quân thanh niên người ôm, kẻ đội cần xé đầy nhóc bánh mì không để rao bán ngay cửa sổ xe (lúc ấy xe đò không có máy lạnh, các cửa sổ đều mở chứ không phải đóng kín như bây giờ). Thậm chí, họ còn vào cả trong xe để mời chào bán bánh mì.
Đó là một khung cảnh rất hỗn độn, chen chúc, nhưng với sắp nhỏ như tụi tôi ngày ấy thì thật vui mắt. Xe đò thời thiếu thốn, hành khách bị nhét chật từ ghế chính phải ngồi gấp đôi số người, đến ghế gỗ nhỏ xíu và người đứng, người đu ở bất cứ nơi nào có thể vịn tay vào được. Ấy thế mà những người bán hàng rong vẫn len lỏi được lên xe, từ anh ôm cần xé bánh mì đến ông sơn đông mãi võ dụ bán thuốc tễ đen sì, đến cô bán cóc ổi mía ghim. Tiếng hành khách đông đúc ồn ào, tiếng rao hàng này tranh át hàng kia. Đó là cả một thế giới vừa hỗn độn vừa sinh động mà người thời nay ngồi xe máy lạnh mát rượi khó hình dung nổi...
Bánh mì bán tại bến xe - Ảnh tư liệu
Bánh mì ăn không, chan xì dầu và mua... nửa ổ
Những năm tháng khó khăn ấy, trong các thứ mua ở bến xe thì bánh mì luôn là món được ưu tiên nhất. Những ổ bánh mì to bằng bắp tay người lớn, thậm chí lớn hơn nữa, dài cả hai, ba gang tay có vỏ vàng óng và thơm lừng mùi bơ. Người ta mua để xé bánh mì không ăn lót dạ ngay trên xe, hoặc lúc đợi qua phà hay xe hư hỏng nằm đường, mà thời đó những chiếc xe cũ kỹ, tàn tạ nằm đường là chuyện thường ngày.
Tuy nhiên, những ổ bánh mì phố mua về quê làm quà vẫn là lý do chính để hành khách phải móc tiền thời kỳ đói khó. Người trẻ thời nay có thể không tin, chứ con nít quê thời ấy lon ton ra bến xe đón mẹ mà sáng rỡ mắt khi được dúi ổ bánh mì làm quà. Thường thì chúng sẽ ăn ngay, cứ ăn bánh mì không một cách ngấu nghiến, thèm thuồng, chẳng cần mà thật sự cũng chẳng có nhân thịt hay chả lụa, patê gì. Ngay cả ông già bà cả cũng ăn bánh mì không một cách ngon miệng, thậm chí còn cắt lát ra để mời bạn bè vừa ăn vừa nhâm nhi nước trà và khoe con cái hiếu thảo biết mua quà ngon.
Tới giờ, trên bước đường nghề nghiệp rong ruổi tứ xứ, tôi may mắn được ăn đủ kiểu bánh mì, từ ổ đắt tiền với nhân thịt đầy ú hụ đến bánh mì thịt nướng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, hamburger kiểu Mỹ, rồi bánh mì beefsteak sang trọng, nhưng tôi vẫn nhớ mãi hương vị và cảm giác thèm thuồng ổ bánh mì không ngày nào. Thi thoảng, gà nhà đẻ trứng, ông nội tôi lấy ra một, hai quả tráng chiên mỏng lét trên đáy chảo để cắt chia đều kẹp vào 5 ổ bánh mì cho 5 người ăn là "ngon nhất quả đất" rồi. Sắp nhỏ tụi tôi tay khư khư cầm ổ bánh mì, đứng túm tụm quanh cái bếp chờ chiên trứng mà nuốt nước miếng thèm thuồng vào trong bụng. Chẳng bù cho bây giờ, một ổ bánh mì kẹp căng phồng hai quả trứng, tụi nhỏ còn chê.
Kể lại chuyện xưa không biết mấy người miền Tây còn nhớ kỷ niệm thời khó, ăn bánh mì chấm... muối kho quẹt. Hồi đó, chục nhà miền Tây thì 7, 8 nhà luôn sẵn nồi muối kho quẹt này với chủ yếu là muối, ớt, sả, bột ngọt và chút xíu mỡ, thậm chí không có mỡ. Hiếm hoi được quà phố là bánh mì và sẵn nồi kho quẹt thì cứ lấy ra mà chấm chấm quẹt quẹt, ngon đến mức nuốt không kịp nhai. Dù gì muối kho quẹt để chấm bánh mì vẫn lạ, vẫn ngon miệng hơn là ăn với chén cơm độn bo bo, khoai mì thường ngày. Khoảng cuối những năm 1980, đất nước dần đổi thay, tôi nhớ thi thoảng bệnh được ưu tiên cho ăn bánh mì chấm sữa. Dù là sữa bò ngày ấy phải đổ nước sôi vào pha loãng để tiết kiệm, nhưng phải nói là "ngon thôi rồi" và không phải ai cũng được ăn.
15 tuổi, tôi trở lại Sài Gòn để học cấp III ở Trường Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình năm 1989. Nhà tôi ở khu Hiệp Nhất ngay sau trường, và ngày ngày tôi đi học đều ngang qua mấy cô bán bánh mì bên đường. Một cô có xe kính hẳn hoi để xếp bánh mì và thịt, chả, rau thơm thật hấp dẫn. Vài cô khác thì vẫn cái bàn gỗ nhỏ lúp xúp bên hè đường với chiếc ghế đẩu ngồi đợi khách.
Sang thời kỳ này, tôi cũng bắt đầu được mua bánh mì kẹp thịt nhưng chủ yếu vẫn là mua nửa ổ. Giờ nói chuyện này chắc không mấy người còn nhớ, nhưng đúng là hồi đó có kiểu ổ bánh mì cắt đôi để bán cho người ít tiền. Tôi mua nửa ổ, sẽ có ngay người khác mua nửa còn lại.
Về thành phố, tôi cũng bắt đầu cộng tác lưa thưa với mấy tờ Áo Trắng, Mực Tím. Năm thì mười họa bài được đăng, được lãnh chút nhuận bút thì mừng thôi rồi. Và tôi sẽ có chút tiền để... mua cả ổ bánh mì kẹp thịt ăn sáng đi học. Hiếm hoi được cầm ổ bánh mì thịt nguyên vẹn lớn bằng bắp tay mà chưa kịp ăn đã nuốt nước miếng rồi...
Khoảng năm 1978 - 1988, mùa hè tôi được về thành phố, vẫn thấy cảnh người ta mua ổ bánh mì chỉ chan xì dầu hay phết chút bơ, patê mà không kẹp thịt vì không đủ tiền. Có giai đoạn, người ta còn chế patê bằng đậu phộng xay để trét ăn bánh mì. Thế mà nhiều người vẫn phải rón rén mua nửa ổ, ăn xong vẫn còn liếm láp chút mẩu vụn dính vào tờ giấy gói, và tất nhiên trong số đó có thằng nhóc là tôi.
"Hồi đó, má vợ tôi đưa mấy chiếc xe tải chở bột mì và 20 người thợ ra Hà Nội để làm bánh mì kiểu Sài Gòn phục vụ trực tiếp Đại hội 6. Ai ăn cũng khen ngon".
_________________________________
Kỳ tới: Bánh mì Sài Gòn ra Hà Nội
TTO - Anh Thanh không thể cưỡng lại mùi thơm, màu vàng ruộm của mẻ bánh mới mỗi khi đi ngang lò bánh mì. Phản xạ "thèm bánh mì" của anh đã hình thành từ lâu lắm...
Xem thêm: mth.18362330001302202-iod-ioht-gneim-coun-yahc-nogn-im-hnab-o-5-yk-us-yk-teiv-im-hnab/nv.ertiout