Sáng 9-3, nhóm nghiên cứu khoa Văn hóa học thuộc ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với hiện trạng cảnh quan bến Bạch Đằng và đề xuất nâng cao giá trị sử dụng không gian công cộng tại khu vực này.
Toàn cảnh toạ đàm công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với hiện trạng cảnh quan bến Bạch Đằng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG.
5 vấn đề khảo sát về bến Bạch Đằng
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào năm nhóm vấn đề chính. Thứ nhất, nhóm khảo sát mức độ hài lòng của người dân về hiện trạng cảnh quan công viên Bạch Đằng sau khi chỉnh trang từ đầu năm 2022.
Thứ hai, nhóm khảo sát nhận thức và ký ức của người dân về Công viên bờ sông – bến Bạch Đằng xưa và nay; cảm nhận của người dân về cảnh quan và giá trị Công viên Bạch Đằng hiện hữu, và về tính phù hợp của cảnh quan công viên với môi trường đô thị TP.HCM nói riêng, với truyền thống văn hóa gắn liền với sông nước Nam Bộ nói chung.
Thứ ba, khảo sát mức độ hài lòng của người dân về từng hạng mục tại công viên: cảnh quan nói chung, về các hạng mục thiết kế như lối đi, không gian tham quan, vui chơi, cây xanh, thảm cỏ… và trang thiết bị như đèn chiếu sáng, nhà vệ sinh....
Thứ tư, nhóm khảo sát ý kiến người dân về vị trí ga tàu thủy Bạch Đằng trong tổng thể của Công viên Bạch Đằng và buýt đường sông cùng với công viên Bạch Đằng, kết nối với không gian Tượng Đài Đức Thánh Trần và công viên Mê Linh.
Cuối cùng, nhóm thu thập ý kiến người dân về hướng bổ sung chỉnh trang, nâng cấp công viên; hướng bổ sung các thiết kế không gian công cộng, các trang thiết bị cần thiết và các dịch vụ; việc sử dụng không gian công cộng tại công viên bờ sông và các hoạt động văn thể mỹ có thể triển khai tại khu vực công viên Bạch Đằng và trên sông Sài Gòn.
Nhiều người dân đến tham quan bến Bạch Đằng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Đa phần người dân đánh giá tích cực
Ngoài ý kiến của khoảng 800 người dân sinh sống tại các quận xung quanh, lân cận bến Bạch Đằng như quận 1, quận 4, quận 5, quận Bình Thạnh, Phú Nhuận và kháchđến thăm quan vào các khung giờ trong ngày tại bến Bạch Đằng, việc khảo sát cũng tập trung vào phỏng vấn sâu các chuyên gia am tường về văn hóa-xã hội và kiến trúc, điển hình như TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, TS. Nguyễn Thị Hậu, PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc.
Đáng chú ý, ở góc độ chuyên môn, 100% các chuyên gia được hỏi ý kiến đều đồng thuận rằng việc chỉnh trang công viên Bạch Đằng theo hướng mở ra không gian sông Sài Gòn, mang phong cách hiện đại là phù hợp.
Về cảm nhận của người dân, kết quả khảo sát cho thấy phần lớn khách đến đây đều đánh giá bến Bạch Đằng đẹp, thoáng, sạch sẽ, tương thích với cảnh quan chung của khu vực trung tâm TP.HCM. Đa số người dân được khảo sát cũng cho biết họ khá hài lòng với hiện trạng công viên Bạch Đằng sau chỉnh trang đầu năm 2022.
Nhiều bạn trẻ thích cuối tuần đến bến Bạch Đằng để dạo mát và chụp ảnh. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Liên quan đến các hoạt động giao thông thủy tại đây, phần lớn người dân và tất cả các chuyên gia đều cho rằng vị trí Ga tàu thủy hiện nay thuận tiện, không ảnh hưởng gì đến Công viên Bạch Đằng hay Công trường Mê Linh – tượng Đức Thánh Trần.
Người dân cũng góp ý để gắn kết các địa điểm văn hóa-lịch sử tại khu vực này cũng như lưu giữ các ký ức đẹp về Sài Gòn xưa, TP cần cần chỉnh trang các tuyến buýt sông đẹp, hiện đại hơn, phục vụ tiện nghi hơn và tăng tầng suất buýt sông để tránh tình trạng khách tham quan phải chờ lâu.
Nhiều góp ý về quy hoạch, chỉnh trang
Về mặt quy hoạch tổng thể, một số chuyên gia góp ý TP cần quy hoạch tổng thể hệ thống công viên hai bên bờ sông Sài Gòn, cụ thể là phía bờ Thủ Thiêm cũng cần có hệ thống các công viên tương ứng, kết nối trung tâm TP với khu vực Thủ Thiêm. Nói cách khác, cần có quy hoạch Quảng trường Thủ Thiêm tiếp nối với đường Nguyễn Huệ.
Nhiều ý kiến chuyên gia lẫn người dân đều cho rằng cần có mô hình “trên bến dưới thuyền” dọc theo công viên bến Bạch Đằng. TP có thể nghiên cứu các mô hình ở các thành phố khác trên thế giới như ở Paris, Thượng Hải; có thể tìm hiểu thêm về việc tổ chức thuyền du lịch cỡ nhỏ bằng cách tham khảo tham khảo mô hình Venice ở Ý.
TP cũng cần quy hoạch hệ thống công viên bờ sông nối tiếp nhau từ sông Sài Gòn sang sông Bến Nghé, sông Thị Nghè, sông Kênh Tẻ..., đảm bảo người đi bộ và đạp xe được lưu thông liên tục. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng TP cần đảm bảo tính kết nối giữa hai không gian thủy và bộ tại trục bờ sông dọc tuyến đường Tôn Đức Thắng khi quy hoạch, chỉnh trang tổng thể.
Nhiều ý kiến góp ý từ người dân và chuyên gia về quy hoạch các tiện ích như nhà xe, nhà vệ sinh, khu dừng chân… Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Ngoài ra, TP cũng cần xây dựng công viên dưới chân cầu Ba Son thành khu vườn tượng nghệ thuật đương đại dành cho giới trẻ. Về đời sống tinh thần, TP nên bố trí chợ nghệ thuật cuối tuần để phục vụ du khách nước ngoài và từng bước nâng cao năng lực thẩm mỹ của người dân, có thể phân bố ở khu vực dưới chân cầu Ba Son.
Đối với khu vực công viên bến Bạch Đằng, phần đông người dân cho rằng cần tạo thêm các mảng xanh tại khu vực bến Bạch Đằng như trồng cây xanh tạo bóng mát, nhưng lưu ý không che chắn tầm nhìn của khách tham quan khi nhìn ra sông Sài Gòn. Cạnh đó, cần bố trí nhà vệ sinh, bãi giữ xe (ví dụ bãi xe ngầm ở đường Nguyễn Huệ). Cần xây cầu hoặc hầm đi bộ nối phố đi bộ Nguyễn Huệ với công viên Bạch Đằng, và xây thêm các trạm nghỉ chân hoặc đình nghỉ chân để khách tham quan tránh nắng hoặc trú mưa.
Liên quan đến Ga tàu thủy, chuyên gia và người dân cho rằng cần bố trí lại không gian, cảnh quan đẹp mắt, hiện đại, tiện nghi hơn. Ví dụ, có thể xây một quảng trường hình bán nguyệt phía trước Ga tàu thủy làm điểm hội tụ chung của toàn thể không gian trên bến dưới thuyền, giữa tượng đài Đức Thánh Trần và nhà ga tàu thủy, và là nơi tổ chức các hoạt động văn-thể-mỹ cho giới trẻ, điển hình như mở rộng sinh hoạt văn nghệ theo kiểu “Có hẹn với Sài Gòn” đang hiện hữu vào các chiều cuối tuần. Ngoài ra, cần xây dựng cột thông tin có trưng bày hình ảnh Bến Bạch Đằng và Bến phà Thủ Thiêm xưa để giúp khách tham quan có thể tìm hiểu hoặc lưu giữ ký ức TP.