Năm 1997, nền kinh tế Nga ghi nhận tăng trưởng dương lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã. Dù vậy, vào tháng 8/1998, Moscow đã buộc phải tuyên bố vỡ nợ, đánh trượt giá đồng rúp và đình chỉ các khoản thanh toán của các ngân hàng thương mại cho các chủ nợ nước ngoài.
Cuộc cải cách kinh tế
Vào tháng 4/1996, Nga đàm phán thời gian trả số nợ nước ngoài mà Liên Xô để lại. Nền kinh tế Nga còn tồn tại nhiều vấn đề như lạm phát hai con số, các khoản nợ nước ngoài nhiều lên và chỉ khoảng 40% người lao động được trả lương đầy đủ, đúng hạn.
Tuy vậy, các nhà phân tích tăng xếp hạng tín dụng và nền kinh tế Nga năm 1997 lần đầu tăng trưởng 1,4% kể từ khi Liên Xô tan rã.
Vào tháng 9/1997, Nga được phép tham gia Câu lạc bộ Paris và Câu lạc bộ London của các quốc gia chủ nợ sau khi đã gia hạn thanh toán khoản nợ.
Các ngân hàng Nga bắt đầu vay nhiều hơn từ thị trường quốc tế, tăng tỷ lệ nợ nước ngoài từ 7% vào năm 1994 lên 17% vào năm 1997.
Khủng hoảng kinh tế châu Á
Vào tháng 11/1997, vài tháng sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á bắt đầu, đồng rúp trở thành mục tiêu tấn công của phe đầu cơ. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) dùng gần 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng rúp.
Tháng 12/1997, nền kinh tế Nga phải chịu một đòn đau khác khi giá dầu và kim loại màu, chiếm tới 2/3 tổng thu ngoại tệ mạnh của Nga, bắt đầu giảm xuống.
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) nâng lãi suất cho vay từ 30% lên tới 50% trong những tháng đầu năm 1998. Tuy nhiên, đến khi giá dầu tụt xuống mức 11 USD/thùng (năm 1997 là 23 USD/thùng), CBR nâng lãi suất cho vay lên mức kỷ lục hơn 150%.
Vào 13/8/1998, thị trường chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ của Nga sụp đổ do nhà đầu tư lo ngại rằng chính phủ sẽ phá giá đồng rúp, vỡ nợ trong nước hoặc cả hai.
Hậu quả lâu dài
Nga kết thúc năm 1998 với sản lượng thực tế giảm 4,9% trong năm thay vì mức tăng trưởng nhỏ như dự kiến. Sự sụp đổ của đồng rúp đã giúp tăng xuất khẩu của Nga trong khi nhập khẩu vẫn ở mức thấp.
Hai nhà kinh tế học Shleifer và Treisman (2000) đã viết: “Cuộc khủng hoảng tháng 8/1998 không chỉ làm suy yếu tiền tệ của Nga và buộc những nhà cải cách cuối cùng phải rời ghế… mà còn xóa tan mọi hy vọng của phương Tây rằng Nga có thể cải cách thành công nền kinh tế của mình”.
Các khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sau năm 1997 liên tục giảm, phải mãi tới 2002 mới có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Thu nhập người dân giảm sút rõ rệt, tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo tăng lên đột biến vào những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, không phải nền kinh tế Nga không thể phục hồi. Năm 1999 và 2000, nền kinh tế Nga lần lượt tăng trưởng ở mức 6,4% và 10% do xuất khẩu được đẩy mạnh, giá dầu và khí đốt tăng cao trở lại và các chính sách tiền tệ, tài khóa kịp thời.
Năm 2001, lần đầu tiên Nga có thặng dư ngân sách kể từ khi Liên Xô tan rã, lạm phát tuy vẫn còn 21% vào năm 2000, nhưng đã tiến bộ rất nhiều so với 86% của năm 1999.
Lặp lại vào 2022?
Năm 1998, khủng hoảng kinh tế châu Á đã châm ngòi cho phản ứng dây chuyền, khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào đồng rúp. Một loạt các quyết định sau đó của CBR nhằm bảo vệ giá trị đồng rúp đã khiến dự trữ ngoại tệ của Nga sụt giảm nghiêm trọng. Đến cuối năm, đồng rúp mất 80% giá trị còn dự trữ ngoại hối thì trống rỗng.
Khoản nợ từ thời Liên Xô, lãi suất trái phiếu và những khoản vay nước ngoài của các ngân hàng Nga tăng gấp đôi đôi đã khiến Moscow phải tuyên bố vỡ nợ.
Trở lại 2022, tuy giá dầu và khí đốt lên mức đỉnh hàng chục năm, nhưng dưới những lệnh cấm vận từ phương Tây, Nga không thể xuất khẩu tài nguyên để đổi lấy ngoại tệ mạnh như USD hay EUR.
Sự việc này có thể nói gần tương tự như việc giá dầu năm 1998 giảm xuống hơn một nửa, gây thất thu ngoại tệ cho nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô như Nga.
Trong tuần này, Fitch hạ bậc đánh giá về nợ chính phủ Nga từ mức B xuống C, lần thứ 2 trong một tháng. Mức C tương ứng với khả năng cao về một vụ vỡ nợ “sắp xảy ra”.
Các công ty đối thủ của Fitch là Moody's Investors Service và S&P Global Ratings cũng đồng thời hạ đánh giá về các khoản nợ của Nga xuống mức dưới mức đầu tư, còn được coi là “rác”.
Trong khi đó, ông Simon Waever, Giám đốc bộ phận chiến lược tín dụng nước ngoài tại thị trường mới nổi của Morgan Stanley, đã viết: “Chúng tôi coi vỡ nợ là kịch bản có khả năng xảy ra nhất” với Nga.
Tính đến ngày 25/2 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga có 643 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên đa phần số dự trữ này đã bị Phương Tây đóng băng, phần còn lại khó có thể giao dịch do các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
Nga chỉ còn lại dự trữ bằng vàng thỏi và nhân dân tệ, tuy nhiên việc chi trả cho các khoản nợ bằng vàng thỏi là không khả thi. Trong khi đó, Nga có thể tiếp cận các ngoại tệ khác thông qua đồng nhân dân tệ hay không còn tùy thuộc vào quyết định của Bắc Kinh.
Chính vì không còn ngoại tệ mạnh của Phương Tây như USD, Euro, bảng Anh, ... nên Nga quyết định không thanh toán nợ nước ngoài bằng ngoại tệ như lẽ thường mà trả bằng đồng rúp.
Việc Nga trả nợ bằng rúp sẽ khiến cho nhà đầu tư và chủ nợ phải chịu thiệt hại nặng nề, do rúp đang mất giá liên tục và không thể quy đổi sang ngoại tệ khác do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Tương tự như năm 1998, niềm tin vào nền kinh tế Nga được gây dựng suốt hơn 20 năm từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền sẽ sụp đổ trong gang tấc.
Nền kinh tế Nga phục hồi sau khủng hoảng 1998 nhờ giá nhiên liệu tăng và các biện pháp hợp lý của chính phủ. Tuy nhiên, nếu các tuyên bố về cấm vận và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của phương Tây duy trì, cơ hội phục hồi nền kinh tế của Nga ngày càng mong manh.
Xem thêm: mth.87473841101302202-agn-iov-ial-pal-oc-ueil-8991-man-on-ov-hcik-maht/nv.zibmanteiv