Rủi ro thanh toán D/P, doanh nghiệp điều có nguy cơ mất lô hàng
5 doanh nghiệp ngành điều của Việt Nam đứng trước nguy cơ mất trắng 162 tỷ đồng khi xuất khẩu hàng sang Italy do sử dụng phương thức thanh toán giao tiền thì giao chứng từ D/P - một phương thức thanh toán phổ biến trong thương mại quốc tế.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), rủi ro đã xảy ra khi hiện nay các doanh nghiệp điều trong nước không rõ bộ chứng từ gốc đang ở đâu.
Theo quy trình thanh toán D/P, doanh nghiệp điều của Việt Nam sau khi làm thủ tục xuất khẩu sẽ gửi bộ chứng từ cho hãng vận chuyển. Chứng từ sau đó chuyển đến cho ngân hàng của người bán tại Việt Nam.
5 doanh nghiệp ngành điều của Việt Nam đứng trước nguy cơ mất trắng 162 tỷ đồng khi xuất khẩu hàng sang Italy. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Ngân hàng Việt Nam có trách nhiệm chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở Italy. Nhà nhập khẩu sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu và nhận bộ chứng từ.
Với bộ chứng từ này, người mua có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng phía Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua Italy đã "không cánh mà bay".
"Ngân hàng Việt Nam đều xác nhận họ chuyển chứng từ thông qua hãng chuyển phát nhanh. Có một số ý kiến đặt ra là hoặc chứng từ bị thay đổi đánh tráo từ hãng bộ phận chuyển phát nhanh, cũng có ý kiến cho rằng hãng chuyển phát nhanh vận chuyển tốt, nhưng đến ngân hàng sở tại thì bị đánh tráo", Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Bạch Khánh Nhựt cho biết.
VINACAS cũng ghi nhận thị trường Italy không phải là thị trường lớn, nhưng lại bất thường có nhiều đơn hàng trong thời gian ngắn, cùng thông qua một công ty môi giới.
Hiện có một doanh nghiệp có nguy cơ thiệt hại nhiều nhất khi dự kiến xuất khẩu 43 container hạt điều. Sau khi thấy bất thường, doanh nghiệp lập tức đề nghị ngân hàng thu hồi lại 17 bộ chứng từ, 26 bộ chứng từ mất quyền kiểm soát.
Hình thức thanh toán D/P tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu
Hình thức thanh toán giao tiền thì giao chứng từ D/P tuy có nhiều rủi ro, nhưng được các doanh nghiệp ngành điều sử dụng nhiều. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên liên tiếp các vụ việc xảy ra và số lượng đơn hàng lớn. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, các cơ quan chức năng đang tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Cụ thể, theo đại diện của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, sau khi nhận được thông tin, Hiệp hội và các cơ quan chức năng cũng đang phối hợp, nhanh chóng vào cuộc để gỡ khó cho các doanh nghiệp.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, doanh nghiệp cần cẩn trọng có các phương án dự phòng rủi ro hơn trong các giao dịch thương mại.
"Các doanh nghiệp cần cẩn trọng về các dự phòng rủi ro, cũng như có công ty luật hỗ trợ để ngay từ khâu ký kết hợp đồng đảm bảo yếu tố pháp lý cần thiết để trong trường hợp xảy ra rủi ro, tranh chấp thì hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất, chúng ta thu hồi được nhiều nhất", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.
Đặc điểm chung của các đơn hàng điều đang gặp khó là đều được thanh toán qua hình thức D/P (nhờ thu), một phương thức thanh toán phổ biến trong thương mại quốc tế, thanh toán giao tiền thì giao chứng từ. Tuy nhiên theo nhiều doanh nghiệp xúc tiến xuất nhập khẩu, đây là hình thức khá là rủi ro.
"Hình thức này tên chính là nhờ thu. Nó đã thể hiện sự rủi ro. Chúng ta không bao giờ đưa hàng cho người khác mà nhờ một người thu và nếu không thu được thì thôi, nghĩa là gần như không có cam kết hoặc cam kết rất lỏng lẻo", ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty xúc tiến xuất khẩu VIETGO, nói.
Các chuyên gia cho rằng, phải chọn cho mình phương thức thanh toán quốc tế và lựa chọn các cán bộ ngân hàng thật sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ít nhất bên mua phải chuyển trả trước 30%, phần còn lại 70% thanh toán bằng thư tín dụng (LC). Ngoài ra, việc thẩm định công ty không thể thiếu, thông qua các cơ quan chuyên trách như: thương vụ, các phòng thương mại tại nước sở tại để xác minh.
VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp hạt điều trong nước đang đối diện nguy cơ mất trắng các container hàng khi xuất sang châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.60885534101302202-or-iur-ueihn-na-meit-p-d-naot-hnaht-cuht-hnih/et-hnik/nv.vtv