Giá vàng trưa nay (10.3) nối tiếp chuỗi giảm sâu. Sau phiên giao dịch lao dốc chiều qua, giá dầu thế giới trưa nay quay đầu tăng nhẹ, vượt ngưỡng 110 USD/thùng.
Giá vàng chưa dứt đà lao dốc
Tính đến 14h30 ngày 10.3, giá vàng trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm sâu sau nhiều ngày lao dốc. Trong đó, giá vàng được Tập đoàn DOJI điều chỉnh về ngưỡng 67 - 69,3 triệu đồng/lượng (giảm 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra) so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 9.3.
Chênh lệch hai chiều mua vào - bán ra được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 2,3 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, vàng miếng SJC được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở ngưỡng 67,05 - 69,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch mua vào - bán ra là 2,15 triệu đồng/lượng.
So với mở cửa phiên giao dịch ngày 9.3, giá vàng SJC được Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giảm 980.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Vàng SJC được Phú Quý niêm yết ở ngưỡng 67 - 69,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch mua vào - bán ra là 2,1 triệu đồng.
Giá vàng thế giới tính đến 14h25 ngày 10.3 (giờ Việt Nam) niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 1.982,5 USD/oz, giảm mạnh 28 USD/oz so với mở cửa phiên giao dịch ngày 9.3.
Giá dầu quay đầu tăng nhẹ
Tính đến 14h30 ngày 10.3, giá dầu Mỹ WTI 110,59 USD/thùng. So với chốt phiên giao dịch ngày 9.3, giá dầu tăng nhẹ 2,59 USD/thùng.
Giá dầu trên các thị trường quốc tế liên tục tăng thời gian gần đây do những căng thẳng địa chính trị thế giới. Ngày 8.3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã đưa ra "lời kêu gọi khẩn cấp" đối với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu, thúc giục họ tăng sản lượng để hỗ trợ thị trường giữa những lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi Anh cho biết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô từ Nga vào cuối năm nay.
Chỉ một ngày sau, Bruno Le Maire - Bộ trưởng Kinh tế Pháp - cảnh báo tình trạng tăng giá năng lượng do những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina sẽ gây ra những tác động ngang cú sốc dầu mỏ năm 1973.
Giá dầu đang chịu sức ép trước thông tin về tiến triển trong việc Mỹ khuyến khích các nước tăng sản xuất dầu. Tuy nhiên, Robin Mills - Giám đốc điều hành công ty tư vấn Qamar Energy có trụ sở tại Dubai -nhận định, rất khó để thống nhất trong OPEC+ về mức sản lượng cao hơn, nơi hầu hết thành viên đã sản xuất ở mức tối đa và chính Nga là một thành viên. Trong khi đó, Saudi Arabia và UAE cho đến nay vẫn tránh lập trường chống lại Nga.
Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo mới đây cảnh báo rằng, thế giới không thể thay thế lượng dầu xuất khẩu của Nga, đồng thời kêu gọi phi chính trị hóa năng lượng.
Thị trường trong nước, sau đợt điều chỉnh vào đầu tháng 3, hiện giá gas đã vượt mức 500.000 đồng/bình 12kg, 1.995.900 đồng/bình công nghiệp 48kg và dự báo còn tiếp tục tăng vào đầu tháng 4.2022.
Trong khi đó, giá xăng hiện tại cũng gần chạm ngưỡng 27.000 đồng/lít và nguy cơ tăng lên 30.000 đồng, trong bối cảnh giá dầu thế giới ngày càng "nóng".
Xem thêm: odl.4402201-cuhp-ioh-uad-yauq-uad-aig-cod-oal-ad-tud-auhc-gnav-aig/gnourt-iht/nv.gnodoal