Sau khi bật lên mức cao kỷ lục mọi thời đại, giá vàng miếng SJC đang chịu áp lực điều chỉnh giảm siêu tốc phiên thứ 3 liên tiếp. Như vậy, những người mua vàng từ vùng đỉnh 74 triệu đồng/lượng thì giờ đây cứ mỗi ngày thức dậy, họ đang bị mất đến vài triệu đồng/lượng/ngày.
Chiều ngày 10/3, giá vàng SJC được các doanh nghiệp đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, lúc 14h chiều nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào ở mức 66,8 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 68,6 triệu đồng/lượng, giảm 1,6 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều.
Thậm chí ngay thời điểm mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, doanh nghiệp này còn giảm tới 3 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Doanh nghiệp kinh doanh vàng Mi Hồng bất ngờ tăng nhẹ chiều mua vào lên 200.000 đồng/lượng, lên mức 67,7 triệu đồng/lượng nhưng ở chiều bán ra lại giảm 1,1 triệu đồng/lượng, niêm yết giá bán ở mức 67,8 triệu đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giữa giá mua và bán tiếp tục được duy trì ở mức cao, lên tới gần 2 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý đẩy giá mua vào với vàng SJC loại nhỏ xuống 65,4 triệu đồng/lượng, và giá bán ra hiện ở mức 68,4 triệu đồng/lượng, giảm 1,4 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước. Tức là chênh lệch giá mua và bán loại vàng SJC trọng lượng nhỏ 1 chỉ, 2 chỉ đang được Phú Quý nới rộng lên tới 3 triệu đồng/lượng.
Sau khi bật tăng lên mốc cao nhất mọi thời đại, 74,4 triệu đồng/lượng vào ngày 8-3, hôm nay là phiên thứ 3 liên tiếp giá vàng SJC chịu áp lực giảm mạnh do nhà đầu tư mua ở vùng giá thấp vẫn tăng cường chốt lời.
Tuy nhiên, với những ai "đu đỉnh" khi giá SJC leo lên 74,4 triệu đồng/lượng thì đến thời điểm này khi bán ra sẽ lỗ gần 8 triệu đồng/lượng. Còn nếu so với giá thế giới (hiện rẻ hơn vàng SJC gần 14 triệu đồng/lượng), thì nhà đầu tư còn lỗ nặng hơn rất nhiều và không biết chờ đợi đến khi nào mới có cơ hội thu hồi vốn.
Chị Đào Thị Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng xót xa khi chị vay 20 cây vàng lúc giá chỉ 56 triệu đồng/lượng, nhưng lúc trả giá vàng lên tới 74 triệu đồng/lượng. Vì không thể khất nợ được nên dù giá đang ở đỉnh, chị Mai vẫn phải cắn răng mua vàng để trả.
“Tôi vay vàng tầm 1 năm mà đã phải trả chênh 18 triệu đồng/lượng”, chị Mai nói. Chị Mai cũng tiếc rẻ khi thấy giá vàng bất ngờ lao dốc. Nếu trả nợ chậm vài ngày chị đã tiết kiệm tới 5 triệu đồng/lượng.
“Chỉ có vài ngày mà tôi mất thêm cả trăm triệu đồng tiền chênh lệch giá vàng”, chị Mai xót ruột nói.
Chia sẻ với báo VTC News, anh Nguyễn Văn Tuấn - chủ một cửa hàng vàng tại Cầu Giấy - Hà Nội cho biết, nếu là tình huống bắt buộc thì đành chịu, còn với những người muốn đầu tư nhưng lại không hiểu rõ về cơ chế thị trường thì đây là bài học đắt giá. Vì có không ít người mượn, vay vàng để đầu tư bất động sản với suy nghĩ giá bất động sản lúc nào cũng sẽ tăng nhanh và cao hơn vàng, cứ vay đi rồi sẽ có lời. Nhưng vàng là tài sản đầu tư mang tính rủi ro cao, có thể tăng giảm thất thường trong ngắn hạn. Trong khi đó, bất động sản thì không phải lúc nào cũng sốt hoặc muốn bán là đẩy đi ngay được.
"Chỉ nên đầu tư khi đã cân đối được phần lớn tài chính, dự báo được những rủi ro nếu có và phương pháp giải quyết những rủi ro đó như thế nào", anh Tuấn nói.
Theo các chuyên gia, khi giá vàng bình lặng thì chuyện vay vàng không có gì đáng nói. Nhưng vào những thời điểm nền kinh tế thế giới đối diện nhiều bất ổn như hiện tại thì những người vay vàng chẳng khác nào đẩy mình vào cảnh "ôm bom".
Đồng quan điểm, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, đầu tư vàng năm nay được cho là kênh trú ẩn nhưng cũng tương đối rủi ro vì giá của nó biến động rất mạnh. Trước diễn biến này, giới chuyên gia khuyến cáo người dân không nên đầu cơ đặc biệt không nên đi vay tiền để đầu tư vàng trong giai đoạn này.
Hương Anh (tổng hợp)