Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước và Tổng cục Quản lý Thị trường nghiên cứu, tham mưu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khí và hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu luôn là câu chuyện nóng, được nhiều người quan tâm. Ảnh: AH
Theo đó, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu vừa được sửa đổi bởi Nghị định 95, ban hành tháng 11-2021, có hiệu lực đầu tháng 1-2022 sẽ tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi để "nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu".
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu luôn là câu chuyện nóng, được nhiều người quan tâm, nhất là câu chuyện giá xăng dầu, vấn đề điều hành giá xăng dầu, tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa tạm dừng hoạt động vì hết nguồn cung, hoặc có tình trạng găm hàng xuất hiện cục bộ ở một số địa phương.
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn trong tình trạng lỗ nặng do giá dầu thế giới tăng liên tục trong khi việc điều hành giá theo quy định hiện hành không đồng nhịp. Khó khăn kéo dài đã dẫn tới hiện tượng khá nhiều cây xăng, nhất là ở một số tỉnh, thành phía Nam dừng bán hàng, bất chấp khả năng bị chế tài thu hồi giấy phép kinh doanh ngành hàng này.
Hiện chưa rõ hướng sửa đổi thế nào, nhưng từ phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có những đề xuất như: Rút ngắn thời hạn điều hành; tách biệt xăng, dầu theo hướng tiếp tục coi dầu là tư liệu sản xuất quan trọng, cần điều tiết, quản lý, bình ổn giá để hạn chế tác động tới nền kinh tế còn xăng thì coi là hàng hóa thông thường, thả lỏng cho vận hành cơ chế thị trường, sát với biến động giá trên thị trường thế giới...
Bên cạnh hai nghị định về kinh doanh xăng dầu nêu trên, trong dịp này Bộ Công Thương cũng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 87/2017 về kinh doanh khí theo trình tự. Bộ dự kiến việc sửa đổi cả ba nghị định này sẽ theo thủ tục rút gọn, kịp trình Chính phủ trong tháng 6 này.
Còn Nghị định 158/2006 và Nghị định 51/2018 liên quan hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa thì sẽ nghiên cứu, sửa đổi theo thủ tục thông thường, dự kiến trình Chính phủ quý III.