Ông Putin những muốn gì?
Một trong những mục tiêu quan trọng của "chiến dịch quân sự đặc biệt" mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động ở Ukraine hôm 24/2 là "xóa bỏ chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân sự" tại Kiev.
Nói cách khác, ông Putin coi chính quyền tại thủ đô Kiev là bọn phát xít, độc tài quân sự, con rối của Phương Tây. Ông còn gọi lãnh đạo Ukraine là bọn sát nhân, lũ con nghiện, … Vì vậy, ông Putin muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky và giải phóng cho "những người anh chị em" Ukraine.
Trước đó vào tháng 12/2021, Nga đã gửi hàng loạt yêu cầu về an ninh tới cho Mỹ và liên minh quân sự NATO, đòi được đáp ứng bằng giấy trắng mực đen, có sự phê duyệt của quốc hội. Các yêu cầu này bao gồm NATO không bao giờ kết nạp Ukraine, Mỹ không bao giờ đặt vũ khí tấn công ở Ukraine, NATO chấm dứt hiện diện quân sự ở những nước tiếp giáp Nga và những nước được kết nạp sau từ sau năm 1997, …
Hôm 7/3 vừa qua, sau gần hai tuần giao tranh, người phát ngôn của chính phủ Nga Dmitry Peskov nêu lên những điều kiện để Nga rút quân là: Ukraine ngừng mọi hoạt động quân sự, công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ Nga, công nhận hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk là quốc gia độc lập, đồng thời thay đổi hiến pháp theo hướng loại trừ khả năng Ukraine ra nhập bất cứ khối nào, bao gồm NATO.
Ngày 9/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Nga sẽ "không chiếm đóng, không phá hủy nhà nước và không lật đổ chính quyền hiện nay của Ukraine". Phát biểu này thể hiện một nấc xuống thang quan trọng trong cuộc xung đột giữa hai nước từng là anh em trong Liên bang Xô viết.
Ukraine có thể đáp ứng những gì?
Hôm 5/3, ông David Arakhamia, Trưởng đoàn đàm phán của Ukraine trả lời phỏng vấn Fox News cho biết phía Ukraine sẽ không thỏa hiệp về toàn vẹn lãnh thổ. "Quan điểm của chúng tôi rất kiên định. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận mọi sự lựa chọn, ngoại trừ việc công nhận các vùng lãnh thổ [Donetsk, Luhansk và Crimea]".
Tuy nhiên, ông Arakhamia cho biết Ukraine sẵn sàng thảo luận các mô hình tồn tại theo hướng Ukraine không gia nhập NATO nhưng nhận được "sự bảo lãnh trực tiếp từ các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Anh, có thể cả Đức và Pháp".
Nguyên nhân, theo ông Arakhamia, là NATO không mặn mà với việc kết nạp Ukraine. "Các thành viên NATO thậm chí còn không muốn thảo luận về việc kết nạp chúng tôi, ít nhất là trong vòng 5 - 10 năm tới", ông David Arakhamia nói.
Ngày 7/3, Tổng thống Volodymyr Zelensky lặp lại quan điểm rằng Ukraine không công nhận Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập, ông gọi hai vùng này là "cộng hòa giả" và "lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng".
Tuy nhiên, ông Zelensky tỏ ý sẵn sàng đối thoại. "Chúng tôi có thể thảo luận và tìm ra sự thỏa hiệp về cách mà những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và những nước cộng hòa này tồn tại. Điều quan trọng với tôi là những người muốn thuộc về Ukraine sẽ sống như thế nào", Tổng thống Ukraine nói.
Ông Zelensky cũng phải thừa nhận rằng giấc mộng vào NATO có phần xa vời. "Tôi đã bớt hứng thú về vấn đề [gia nhập NATO] sau khi hiểu rằng NATO chưa sẵn sàng chấp nhận Ukraine. Liên minh quân sự này sợ những điều gây tranh cãi và đối đầu với Nga".
Qua các phát biểu của phía Nga và Ukraine, có thể thấy hai bên chí ít cũng sẵn sàng thảo luận về một số vấn đề mấu chốt liên quan tới NATO, Crimea, Donetsk và Luhansk.
Nếu hai bên tìm được tiếng nói chung trong nhiều lĩnh vực, hòa bình có thể sớm quay trở lại với khu vực Đông Âu. Nếu không, giao tranh có thể lan rộng thành chiến tranh thế giới, thậm chí thảm họa hạt nhân.
Ba kịch bản có thể xảy ra bao gồm:
Kịch bản 1: Ông Putin thất bại
Tình hình giao tranh tại Ukraine đang diễn ra không như kỳ vọng của Tổng thống Putin và tướng lĩnh Nga.
Ngay ngày đầu tiên, Nga đã phóng tên lửa phá hủy nhiều cơ sở phòng không của Ukraine. Máy bay trực thăng Nga đưa binh lính đến đánh chiếm sân bay Hostomel. Tình báo Phương Tây cũng lo Kiev sẽ thất thủ trong vài ngày đầu cuộc chiến. Nhưng càng về sau, sức kháng cự của Ukraine càng mạnh lên trong khi quân Nga ngày một bế tắc, hậu cần khó khăn.
Cộng đồng quốc tế hợp lực bao vây và cô lập Nga, áp hàng loạt đòn trừng phạt hà khắc chưa từng thấy lên nền kinh tế Nga và giới lãnh đạo, tỷ phú. Hàng trăm quốc gia tuyên bố ủng hộ Ukraine, nhiều nước viện trợ vũ khí sát thương.
Thương vong của quân Nga ngày càng lớn, tình báo Mỹ ước tính khoảng 4.000 lính Nga đã tử trận sau chưa đầy hai tuần giao tranh. Những người dân Nga phản đối chiến tranh cũng như giới doanh nhân tỷ phú bị Phương Tây trừng phạt có thể gây áp lực khiến ông Putin nhường lại quyền lực cho người khác hoặc ra lệnh rút quân.
Tuy nhiên, ông Putin từ trước đến nay luôn duy trì hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn và mạnh mẽ, nên nếu quyền lực vẫn nằm trong tay ông thì sẽ khó có chuyện ông nhận thua rồi lui quân.
Thay vào đó, Tổng thống Nga có thể sẽ ép phía Ukraine phải nhượng bộ trong một số vấn đề, đủ để ông Putin có thể tuyên bố chiến thắng và kết thúc chiến dịch quân sự.
Những nhượng bộ này có thể bao gồm các vấn đề mà phía Ukraine tuyên bố sẵn sàng đàm phán như đã đề cập ở trên, bao gồm: Công nhận Crimea thuộc về Nga theo kết quả trưng cầu ý dân năm 2014, công nhận chủ quyền của Luhansk và Donetsk, cam kết không bao giờ gia nhập bất kỳ liên minh quân sự nào – bao gồm NATO.
Hiện nay, Ukraine vẫn tuyên bố chủ quyền với Crimea nhưng thực chất đã mất quyền kiểm soát trong 8 năm qua. Tương tự, hai vùng lãnh thổ Luhansk và Donetsk ở đông Ukraine đã nằm trong tay Nga từ năm 2014. Về việc gia nhập NATO, chính Tổng thống Ukraine cũng phải thừa nhận là không khả thi.
Đổi lại những nhượng bộ từ phía Ukraine, Nga có thể sẽ rút quân, không còn các vụ không kích và nã pháo, dân tị nạn có thể trở về, chính phủ ở Kiev tiếp tục nắm quyền.
Kịch bản 2: Ông Putin chiến thắng
Ukraine được Phương Tây hỗ trợ nhiều vũ khí hiện đại nhưng chênh lệch lực lượng với quân đội Nga vẫn còn rất lớn. Xe tăng Nga hiện chỉ còn cách Kiev khoảng 2 km.
Một đoàn xe quân sự Nga dài 64 km đứng gần thủ đô Kiev trong nhiều ngày qua, dường như là chờ tiếp tế nhiên liệu, lương thực, đạn dược. Khi đã chuẩn bị đủ lực lượng, quân Nga có thể tiến công và chiếm được thủ đô của Ukraine, loại bỏ chính phủ hiện thời và lập nên một chính quyền thân Nga.
Đây rõ ràng không phải là kịch bản mà Phương Tây mong muốn nhưng nếu Mỹ và NATO trực tiếp can thiệp để cứu chính quyền của Tổng thống Zelensky, giao tranh sẽ nổ ra với quân đội Nga và có thể biến thành kịch bản thảm họa dưới đây.
Kịch bản 3: Thảm họa hạt nhân hoặc chiến tranh thế giới
Xác suất xảy ra kịch bản này là rất nhỏ, nhưng không phải là bằng 0. Nếu quân Nga không thể giành thắng lợi quyết định trên chiến trường theo Kịch bản 2 và phía Ukraine cũng không chịu nhượng bộ theo Kịch bản 1 thì chiến tranh sẽ kéo dài và rủi ro leo thang sẽ ngày càng cao.
Tham vọng gia nhập NATO của Ukraine được quy định rõ ràng trong hiến pháp của nước này nên không phải Tổng thống Zelensky nói bỏ là bỏ ngay được. Việc sửa hiến pháp đòi hỏi phải được quốc hội thông qua, thậm chí cần trưng cầu ý dân.
Thực tế trong cuộc xung đột gần đây cho thấy người dân Ukraine tỏ thái độ chống Nga kịch liệt nên sẽ không dễ gì đồng ý sửa hiến pháp theo ý của ông Putin.
Ngày 27/2, ông Putin họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng Valery Gerasimov để ra lệnh đặt lực lượng răn đe hạt nhân trong tình trạng báo động cao.
Phương Tây đang hành xử hết sức thận trọng để tránh đối đầu trực tiếp với quân Nga.
Mỹ và NATO tuyên bố sẽ không thiết lập một vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine. Các quốc gia EU cung cấp cho Ukraine vũ khí phòng không nhưng kiên quyết không gửi máy bay chiến đấu. Đến nay, chưa nước nào dám đưa quân chính quy tham chiến ở Ukraine, mặc dù công dân của một số nước đã tình nguyện chiến đấu bảo vệ Ukraine với tư cách cá nhân.
Tuy vậy, chiến tranh có thể xảy đến vì những sai sót khôn lường và khó tránh.
Ukraine tiếp giáp biên giới với 4 nước thành viên NATO là Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Giả sử trong lúc chiến tranh hỗn loạn, tên lửa của Nga bay lạc sang một trong những nước NATO này, khiến cho dân thường và binh sĩ thiệt mạng. NATO sẽ làm gì? Liệu NATO có chấp nhận lời giải thích của Nga rằng tất cả chỉ làm nhầm lẫn hay không?
Một nhà phân tích tại Washington nhận định: "Kịch bản chiến tranh thứ nhất là do sai sót. Phía Nga bắn một quả tên lửa sang Ba Lan. Đây là điều có thể xảy ra và mọi chuyện sẽ leo thang rất nhanh. Chúng ta phải đáp trả, không thể không làm gì được".
Việc ông Putin dọa sử dụng vũ khí hạt nhân cũng khiến cho Phương Tây phải đưa ra lời răn đe tương tự. Nếu Mỹ và NATO cố tỏ ra mình là người yêu chuộng hòa bình và khẳng định không bao giờ dùng đến vũ khí hạt nhân thì ông Putin sẽ càng có lý do để mang bom nguyên tử ra để gây sức ép.
Khi hai bên nâng mức báo động hạt nhân, các cơ chế kiểm soát an toàn cũng sẽ được gỡ dần đi. Tới một lúc nào đó, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn tới thảm họa. Lịch sử đầy rẫy những ví dụ về việc chiến tranh hạt nhân suýt nữa bùng phát.
Ngày 26/9/1983, vệ tinh trong hệ thống cảnh báo sớm của Liên Xô cho thấy Mỹ đã phóng 5 đầu đạn xuyên liên lục địa về phía Liên Xô. Sỹ quan trực ban hôm đó là Trung tá Stanislav Petrov cho rằng hệ thống máy tính đã gặp trục trặc vì nếu Mỹ thực sự tấn công hạt nhân để hủy diệt đối thủ thì đã phóng hàng trăm quả tên lửa chứ không thể ít như vậy.
Trung tá Petrov quyết định không báo cáo lên cấp trên theo quy trình. Nếu vị sĩ quan 44 tuổi làm đúng quy định, khả năng cao là phía Liên Xô đã phóng hàng loạt tên lửa hạt nhân để đáp trả theo học thuyết "đảm bảo hủy diệt lẫn nhau".
Về sau, một cuộc điều tra cho thấy vệ tinh của Liên Xô đã gặp trục trặc trong ngày 26/9/1983 định mệnh đó và nhận diện nhầm tia phản xạ của ánh nắng mặt trời thành một vụ phóng tên lửa. Không có gì đảm bảo sai sót tương tự sẽ không lặp lại, và không phải lúc nào cũng có người như Trung tá Petrov trực ban.