Tổng thống Putin dự cuộc họp với các quan chức chính phủ theo hình thức trực tuyến ngày 10-3 - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc họp chính phủ được phát sóng trên truyền hình ngày 10-3, Tổng thống Putin tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu đang gây tổn hại chính các nước này.
"Giá cả các thứ của họ đang tăng, nhưng đó không phải lỗi của chúng ta. Đó là kết quả của những tính toán sai lầm của chính họ. Đừng đổ lỗi việc này cho Nga", ông Putin nêu lập luận và khẳng định Nga tuân thủ tất cả các nghĩa vụ cung cấp năng lượng.
Mỹ đã ban lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga, một động thái mà chính Tổng thống Joe Biden cũng thừa nhận sẽ ảnh hưởng đến người dân. Tuy nhiên, ông Biden cho rằng nguyên nhân của việc này nằm ở Nga, trực tiếp là chiến dịch quân sự mà Matxcơva đã phát động ở Ukraine.
Trong cuộc họp ngày 10-3, Tổng thống Putin cũng chế giễu việc Mỹ đang loay hoay tìm cách ký hợp đồng cung cấp năng lượng với các quốc gia đối đầu phương Tây như Iran và Venezuela, theo Hãng tin AFP.
Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo giá lương thực các loại sẽ tăng vọt vì Nga là nhà sản xuất phân bón tốp đầu thế giới.
"Nếu họ tiếp tục tạo ra các khó khăn tài chính và hậu cần cho việc vận chuyển hàng hóa Nga, giá cả sẽ tăng lên và điều này sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm cuối cùng, bao gồm các sản phẩm thực phẩm", ông Putin nêu lập luận.
Tổng thống Nga cũng tìm cách trấn an người dân trong bối cảnh nhiều người lo ngại tình trạng thiếu lương thực và thuốc men có thể xảy ra.
Ông thừa nhận người Nga có thể lo lắng về việc nguồn cung bị gián đoạn nhưng tuyên bố rằng không có gì Điện Kremlin không thể giải quyết.
"Rõ ràng là trong những thời điểm như vậy, nhu cầu của mọi người đối với một số loại hàng hóa sẽ luôn tăng lên. Chúng tôi sẽ giải quyết những vấn đề này một cách bình tĩnh và dần dần mọi người sẽ tìm ra hướng đi", ông Putin nói.
Theo nhà lãnh đạo Nga, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ giúp đất nước trở nên mạnh mẽ hơn, độc lập và tự chủ hơn nữa. "Chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn này", ông Putin nhấn mạnh và kêu gọi người dân "thích nghi với tình hình mới".
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất kể từ năm 1991, sau khi Nga đưa quân vào Ukraine.
Không chỉ loại hàng loạt ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT, phương Tây còn đưa nhiều tỉ phú Nga vào danh sách đen và tịch thu, đóng băng hàng tỉ USD tài sản của họ với lý do thân cận với chính quyền Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố nước Nga sẽ tìm cách hóa giải các khó khăn kinh tế và sẽ không bao giờ để phụ thuộc vào phương Tây một lần nào nữa.
Trong thông báo ngày 11-3, Bộ Kinh tế Nga cho biết sẽ ngừng xuất khẩu lúa mì, lúa mạch đen và ngô sang các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) cho đến ngày 31-8 tới. Động thái nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước, theo Hãng thông tấn Interfax.
EEU có 5 thành viên gồm các nước Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
TTO - Chính phủ Nga đã cấm xuất khẩu các sản phẩm viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, điện lực, công nghệ và lâm nghiệp cho đến cuối năm 2022. Đây được xem là biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây.
Xem thêm: mth.17215755011302202-yat-gnouhp-auc-mal-ias-hnit-naot-al-agn-tahp-gnurt-nitup-gno/nv.ertiout