Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 112 điểm và kết phiên ở 33.174 điểm. Phiên trước đó (9/3), chỉ số gồm 30 blue chip này bật tăng hơn 650 điểm, tương đương 2%.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,43% trong phiên 10/3 trong khi chỉ số thiên về côgn nghệ Nasdaq Composite mất 0,95%, một phần do tác động tiêu cực của Apple và Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook).
Các cuộc đàm phát hòa bình giữa Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc mà không đạt được tiến bộ đáng kể nào về việc ngừng bắn hay tạo hành lang an toàn cho dân thường rời khỏi thành phố cảng Mariupol đang bị bao vây.
Thị trường đang theo dõi chặt chẽ tình hình cuộc xung đột tại Ukraine và thường biến động ngược chiều với giá năng lượng. Giá dầu thô Brent và WTI ngày 9/3 lao dốc 12-13% khi xuất hiện những tín hiệu xuống thang căng thẳng từ phía Nga và Ukraine. Ngày 10/3, giá năng lượng tiếp tục giảm nhẹ.
Tuy nhiên, tính từ khi chiến sự bắt đầu ngày 24/2 đến nay, giá dầu thô WTI hiện vẫn cao hơn khoảng 14% trong khi giá dầu thô Brent tăng khoảng 15% như thể hiện trong biểu đồ dưới đây.
CNBC dẫn lời ông Timothy Lesko, cố vấn tài sản cao cấp tại Mariner Wealth Advisors nhận định: "Biến động dữ dội của thị trường chứng khoán có vẻ như gắn kết chặt chẽ với các cuộc đàm phán hòa bình Nga – Ukraine và sự lên xuống tương ứng của giá nhiên liệu. Việc giá hàng hóa giảm trong ngày 9/3 có vẻ đã châm ngòi cho một phiên hồi phục, nhưng đà tăng biến mất khi cuộc đàm phán ngừng bắn thất bại".
Tuy giá dầu gần đây diễn biến tiêu cực nhưng cổ phiếu dầu khí ngày 10/3 đã hồi phục. Chevron và ExxoMobil tăng lần lượt 2,7% và 3,1%. Năng lượng là nhóm hỗ trợ đắc lực nhất cho chỉ số S&P 500 trong phiên 10/3 như thể hiện trong thống kê bên dưới. Các nhóm bất động sản và tiêu dùng không thiết yếu cũng đi lên.
Giá nhiều loại hàng hóa như vàng và bạc tăng trở lại khi nhà đầu tư lo ngại tác động của lạm phát tới tăng trưởng kinh tế.
Cổ phiếu thương mại điện tử Amazon bật tăng 5,4% sau khi thông báo kế hoạch chia tách cổ phiếu 20:1 và chi 10 tỷ USD để mua cổ phiếu quỹ. Cổ phiếu an ninh mạng CrowdStrike vọt lên 12,5% sau khi thông báo kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng và nâng dự báo hoạt động.
Những cổ phiếu công nghệ khác chìm trong sắc đỏ, dẫn tới nhóm công nghệ giảm mạnh nhất S&P 500 như thể hiện trong biểu đồ trên. Zoom Video sụt 5,3%, Microsoft và Tesla giảm lần lượt 1% và 2,4%, Apple và Meta Platforms mất tương ứng 2,7% và 1,7%.
Các đại gia ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan Chase thông báo đóng cửa hoạt động tại Nga, giá cổ phiếu đều giảm hơn 1% trong phiên vừa qua.
Sáng 10/3, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê bên dưới cho thấy đây là mức tăng cao nhất trong 40 năm qua, đồng thời cao hơn mức 7,8% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.
CPI tháng 2 tăng 0,8% so với tháng liền trước, cao hơn con số 0,7% mà các chuyên gia dự đoán.
CNBC dẫn lời ông John Leer, Kinh tế trưởng của công ty tư vấn Morning Consult nhận định: "Tình hình lạm phát đang ngày càng xấu đi chứ không tốt lên. Các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đang ngày càng trở nên đắt đỏ, khiến người dân không còn tiền cho các hoạt động không thiết yếu và chậm phân bổ ngân sách cho lĩnh vực dịch vụ".
"Giá nhiên liệu là nhân tố chính, nhưng giá thực phẩm và nhà ở cũng tăng mạnh trong tháng 2 vừa qua", ông Leer nói thêm. "Thật không may, cuộc chiến ở Ukraine sẽ khiến việc kiểm soát lạm phát thêm khó khăn. Giá xăng và nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng, giá lúa mỳ nhảy vọt và chuỗi cung ứng tiếp tục xáo trộn".
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt lên trên mốc 2% lần đầu tiên kể từ ngày 25/2 khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ngày 15-16/3 tới đây, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ họp phiên thường kỳ và nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất 25 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát.
Thị trường chứng khoán châu Âu ngày 10/3 cũng chìm trong sắc đỏ với mức giảm lớn hơn thị trường chứng khoán Mỹ.