Đó là một trong những nội dung đánh giá thực trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2020-2021 được nêu tại Hội nghị phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022 diễn ra mới đây tại Bộ Y tế.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết hiện nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng về quy định quảng cáo thực phẩm chức năng, nội dung quảng cáo chưa đúng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh… tạo sự hiểu lầm của người dân khi sử dụng các sản phẩm này.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý các vi phạm này nhưng tình hình vi phạm giảm không đáng kể.
Sản phẩm thực phẩm chức năng chứa chất cấm Sibutramine được Cục An toàn thực phẩm cảnh báo. Ảnh: Cục ATTP
Đánh giá thực trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2020-2021, hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát. Tuy nhiên, vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay: Quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, nhân viên y tế, quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh…
Năm 2020, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm về quảng cáo 48 cơ sở với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Năm 2021 đã xử lý vi phạm về quảng cáo 28 cơ sở với số tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng.
Hiện nay, các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn còn rất phổ biến, nhất là trên các kênh zalo, facebook, youtube, các website lưu trữ trên các máy chủ đặt tại nước ngoài khó kiểm soát, gây khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị rà soát lại những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề quảng cáo, trong đó có quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng để có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh và đề nghị các bộ ngành liên quan một số nội dung: Đối với Bộ Công thương cần tăng cường quản lý sàn giao dịch điện tử, bán hàng đa cấp. Có chế tài xử phạt sàn thương mại điện tử vi phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được phép của cơ quan chức năng.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm của người tiêu dùng như là thuốc chữa bệnh…
Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm các tên miền vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý chặt chẽ việc cấp, đăng ký giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp…