Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi, phân tích sâu hơn một số vấn đề về quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết, ưu điểm của việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh đến những luận cứ khoa học, cơ sở lý luận cũng như những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông đường bộ, từ đó đòi hỏi sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp luật trong các lĩnh vực này.
Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì Tọa đàm. |
Đồng chủ trì Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Trung Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu khẳng định việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, có cơ sở lý luận và thực tiễn, nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về ba đột phá chiến lược, hiện thực hoá tư duy đổi mới, tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an toàn về tính mạng sức khoẻ cho người tham gia giao thông, góp phần đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường…
Đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cũng phát biểu đồng tình với việc cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời chỉ ra rằng: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 qua gần 13 năm triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập như: Tên gọi Luật Giao thông đường bộ là chuyên ngành nhưng phạm vi điều chỉnh không đúng là luật chuyên ngành dẫn đến hiểu không đúng về mục tiêu của từng lĩnh vực; Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung; không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ ràng; tuy đã có quy định chính sách về quy hoạch, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ...
Đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh đồng tình với việc cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. |
Đại diện dự tọa đàm cho Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - Cơ quan trực tiếp tổ chức, tham mưu, giúp việc cho Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về các dự án luật tại các kỳ họp của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc khi phát biểu ý kiến về sự cần thiết xây dựng, ban hành 02 Dự án luật đã khẳng định: Việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; là sự thể chế hóa quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển xã hội; là để hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, tương xứng để tiếp tục tập hợp, huy động, sử dụng các lực lượng quần chúng tham gia hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, phục vụ đắc lực sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đồng thời bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khi phát biểu ý kiến về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. |
Là cơ quan có chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, khi phát biểu trao đổi về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, đại biểu Sở Tư pháp khẳng định việc này có đủ cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu bức thiết hiện nay về giao thông đường bộ, đặc biệt 2 nội dung lớn là “xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ” (thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội) và “trật tự, an toàn giao thông đường bộ” (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội). Đại biểu Sở Tư pháp cũng phát biểu cho rằng việc chuyển giao công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho ngành Công an thực hiện là đảm bảo tính khoa học và phù hợp thực tiễn; ngành Công an, trực tiếp là lực lượng Cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trực tiếp phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, trong quá trình xử lý vi phạm theo quy định pháp luật có rất nhiều nội dung liên quan đến việc quản lý giấy phép lái xe và cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe, do đó, giao ngành Công an tiến hành tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe sẽ đảm bảo quản lý thống nhất, xuyên suốt và hiệu quả; bên cạnh đó, xây dựng và quản lý được cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe giúp cho các công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông được tiến hành thuận lợi, hiệu quả, chủ động phát hiện được các trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả, kịp thời thực hiện biện pháp thu hồi khi người vi phạm không đến nhận giấy phép lái xe theo quy định; mặt khác, hiện nay ngành Công an được giao các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến quản lý con người (như: tạm trú, hộ khẩu, căn cước công dân, đối tượng có tiền án, tiền ự, sưu tra…) và quản lý phương tiện, cơ sở dữ liệu, nên giao ngành Công an tiến hành tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe là hoàn toàn phù hợp, thuận lợi và đảm bảo tính thống nhất.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, đồng chí Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, đại biểu đã đến dự tọa đàm; cảm ơn và ghi nhận các ý kiến phát biểu qua đó đã thể hiện cái nhìn sâu sắc, toàn diện và khách quan về 02 dự án luật, cũng như về những vấn đề mà 02 dự án luật này cần tiếp tục được nghiên cứu chỉnh lý để phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong tình hình hiện nay.
Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh mong muốn sau buổi tọa đàm, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu sẽ tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, có cái nhìn khách quan, toàn diện về sự cần thiết xây dựng, ban hành của 02 dự án luật, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ, không để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến ổn định xã hội.