Lo ngại giá xăng sắp tăng mạnh, hơn 30.000 đồng mỗi lít, hàng trăm người xếp hàng chờ đổ xăng tại các cây xăng. Tuy nhiên, việc đổ xăng ở thời điểm này khá vất vả, đúng kiểu "điền vào chỗ trống".
Chờ đợi 1 tiếng mới đổ được xăng
7h sáng 11.3, anh V (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mang xe đi đổ xăng ở một cửa hàng xăng dầu quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chờ đợi 30 phút chưa đến lượt, anh phải đỗ gọn xe vào một góc của cửa hàng, bật cảnh báo, rồi đi mua tạm chiếc bánh mì ăn lót dạ.
"Sáng nay (11.3), đi đổ xăng ôtô đúng kiểu "điền vào chỗ trống", ai nhanh thì đổ được, không thì phải chờ đợi ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng. Thật sự quá vất vả, nhưng không đổ không được vì dự báo xăng chiều nay tăng giá rất mạnh", anh V cho hay.
Theo ghi nhận của Lao Động, mặc dù mới đầu giờ sáng, nhưng lượng người đi đổ xăng tại nhiều cây xăng ở quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Tây Hồ… đông nghẹt người. Trong khi đó, một số cây xăng như cây xăng Võ Chí Công (ngã tư Xuân La, Tây Hồ) căng dây và khi được hỏi thì nhân viên thông báo đang chờ nhập xăng.
Tại một cây xăng trên đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội), lượng người đến đổ xăng đông, phải chờ xếp hàng mới tới lượt.
Tại cây xăng này, xăng E5 RON 92 được niêm yết với giá 26.070 đồng/lít và xăng RON 95 được bán với giá 26.830 đồng/lít. Quản lý tại cây xăng này cho biết, từ sáng nay, lượng người đến đổ đông hơn, tăng khoảng 60% so với những ngày trước.
"Một ca bán hàng từ 6h sáng đến 14h chiều, bình thường, nhân viên bán hàng bán được 12.000 lít, nhưng nay bán được hơn 20.000 lít. Người dân xem trên báo đài thấy xăng sẽ tăng nên đi đổ trước, chúng tôi phải huy động hết nhân viên để phục vụ, bơm xăng cho khách", người này nói.
Tài xế cũng "méo mặt" khi xăng tăng giá
Giá xăng tăng cao và được dự báo tiếp tục tăng cao hơn nữa không chỉ ảnh hưởng tới người tiêu dùng mà còn khiến doanh nghiệp vận tải "méo mặt". Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã buộc phải điều chỉnh giá cước để bù đắp chi phí.
Thông tin từ Grab Việt Nam cho hay, bắt đầu từ ngày 10.3, đơn vị này sẽ chính thức điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Trong khi đó, các hãng khác như Gojek và BeGroup chưa có động thái tương tự. Như vậy, Grab là hãng gọi xe công nghệ đầu tiên thông báo tăng giá cước trên thị trường.
Anh Đỗ Văn Thường - tài xế GrabCar ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, việc tăng giá cước này trong bối cảnh giá xăng vừa tăng gấp đôi so với thời điểm giãn cách xã hội là hoàn toàn hợp lý.
Cước tăng, cả Grab và tài xế Grab đều hưởng lợi và có thu nhập cao hơn theo tỉ lệ khấu trừ 33% tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế. Tài xế Đỗ Văn Thường cũng cho rằng, với việc tăng giá này, Grab nên khuyến mại ở mức 5% hay 10% cho khách hàng đỡ thiệt khi sử dụng dịch vụ và cũng là cách để thu hút khách nhiều hơn trong lúc các hãng khác chưa có động thái tăng giá cước.
Trong khi đó, tài xế hãng taxi truyền thống Sông Nhuệ Phạm Anh Thơ cho biết, hãng vừa quyết định tăng giá 1.000 đồng/km, ở mức mở cửa là 20.000 đồng cho 1,5km đầu tiên, những km tiếp theo có giá 13.500 đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao kỷ lục hơn 27.000 đồng/lít và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại nên thu nhập từ dịch vụ này giảm mạnh so với trước đây…
Anh Nguyễn Anh Tú, chạy xe tuyến Hà Nội - Nội Bài cho hay, giá cước bình thường trong năm chỉ 200.000 đồng/lượt đi - về, nhưng nay giá xăng tăng quá nhiều, khiến anh em tài xế buộc phải nâng mức cước lên 250.000 đồng/lượt. Nếu không tăng giá thì chắc chắn sẽ không đủ bù đắp chi phí bởi mỗi cuốc xe, chi phí cho xăng vào khoảng 80.000 đồng, chưa kể ăn trưa, bến bãi, hao mòn...
Đại diện doanh nghiệp vận tải hàng hóa tuyến Bắc - Nam, bà Vũ Tuyết Hạnh - Công ty Vận tải Cường Thắng cho hay, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá, nhưng mức điều chỉnh chỉ ở khoảng 15-20% và chỉ thực hiện với khách lẻ để bù đắp chi phí.
Những đối tác thân thiết, làm việc hàng chục năm, thì không thể tăng được, bởi nếu tăng doanh nghiệp sẽ mất khách quen. Với mức tăng giá cước như hiện nay, doanh nghiệp đang sụt giảm doanh thu tới 40%, trong khi đó, dịch bệnh khiến số lượng khách vận chuyển giảm nhiều, các đơn hàng không có.
Xem thêm: odl.0132201-toul-ned-iom-gneit-tom-ohc-gnort-ohc-oav-neid-ueik-gnud-gnax-od-id/et-hnik/nv.gnodoal